Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 23 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%/năm, lãi suất cho vay khoảng 12%/năm nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy việc giảm lãi suất là rất khó.
Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Phú Yên đang triển khai chương trình khuyến mãi để huy động vốn – Ảnh: Q.THUẦN |
Gần nửa tháng nay, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên tung ra nhiều hình thức khuyến mại trong huy động vốn đồng Việt Nam (VND). Hiện lãi suất huy động trên địa bàn Phú Yên dao động ở mức 10% đến 11,51%/năm. Trong đó cao nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) với 11,48% đối với kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng, kỳ hạn 12 tháng lãi suất lên đến 11,51%. Nếu tính cả lãi suất thưởng, quà khuyến mại thì lãi suất thực đã vượt trên 12%/năm. Ngoài các kỳ hạn tháng, một số ngân hàng còn áp dụng kỳ hạng tuần với mức 10%/năm.
Nhận định về hiện tượng này, giám đốc một chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần ở Phú Yên cho rằng, động thái “đua” khuyến mại trong huy động vốn của các ngân hàng cho thấy tình hình huy động vốn vẫn căng thẳng. Tuy nhiên, đa phần các mức lãi suất cao đều được áp dụng cho các kỳ hạn vay trên 6 tháng, nên căn bản cuộc đua tăng lãi suất huy động lần này không xuất phát từ nguyên nhân căng thẳng thanh khoản trong ngắn hạn như cuối năm 2009, mà là do các ngân hàng đang tìm cách bổ sung nguồn vốn, nhất là vốn trung và dài hạn.
Lãi suất huy động không thể giảm, khiến lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Hiện thị trường tiền tệ Phú Yên duy trì hai mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND, trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 1 - 2%/năm và đang dao động 13% đến 15%/năm, tùy kỳ hạn ngắn, trung hay dài hạn. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Chính, chủ DNTN Đại Sanh ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), mức lãi suất này vẫn còn cao và doanh nghiệp vẫn còn e dè khi vay vốn “Lãi suất phải giảm còn 12% thì may ra doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mở rộng sản xuất, kinh doanh, bởi lợi nhuận trong tổng vốn đầu tư chỉ ở mức 15%”, ông Chính nói.
Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, mặt bằng lãi suất không mấy hạ nhiệt, dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, đi kèm với khuyến cáo phải hạ lãi suất huy động và cho vay. Đại diện BIDV Phú Yên cho biết, việc các ngân hàng đua nhau khuyến mãi huy động vốn khiến cho chi phí đầu vào tăng lên và hệ quả là lãi suất cho vay khó giảm xuống mức 12%/năm theo đúng chủ trương của Chính phủ. Chưa kể, các ngân hàng đang “gánh” khoản vốn huy động lãi suất cao ở các tháng trước chưa đến kỳ đáo hạn nên cần có thời gian cân đối lại. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho rằng, chủ trương hạ lãi suất là đúng đắn, tuy nhiên nhìn vào tình hình hiện tại thì các ngân hàng cần có một lộ trình dài. Vấn đề giảm lãi suất huy động lẫn cho vay trong thời gian tới sẽ tùy thuộc vào diễn biến và tín hiệu của thị trường. Điều này khó có thể làm được ngay và khó thực hiện được trong một thời gian ngắn, mà cần đòi hỏi thời gian, lộ trình nhất định.
NGUYỄN QUANG