Tuần qua, trên địa bàn các huyện miền núi Phú Yên đã bắt đầu có mưa. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trồng mía xuống giống, trồng dặm bổ sung trên những diện tích bị thiệt hại do nắng nóng. Tuy nhiên, mía giống đang khan hiếm khiến người trồng mía gặp nhiều khó khăn.
Nông dân xã Suối Trai (Sơn Hòa) phải sử dụng mía kém chất lượng làm giống – Ảnh: P.NAM |
Niên vụ 2009 – 2010, tỉnh Phú Yên có hơn 18.500 ha mía, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Trong đó, Sơn Hòa là vùng trọng điểm với diện tích hơn 8.400 ha, chủ yếu dựa vào nước trời, chỉ có khoảng 200 ha ở ven sông, suối là chủ động được nguồn nước. Nắng hạn gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích mía trồng mới và trồng lại bị khô héo, mía giống bị teo gốc khiến một số diện tích bị mất trắng. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa cho biết: “Đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, đã có khoảng 15 – 20% diện tích mía bị chết theo kiểu da beo. Mấy ngày qua trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng dặm trên những diện tích mía bị chết, song hiện tại nhu cầu về giống là hết sức cấp thiết, vì phần lớn diện tích mía giống dự trữ của bà con bị hư hại do thời tiết. Tính đến thời điểm này, toàn huyện mới trồng được 81 ha và gần 400 ha trồng lại”.
Các xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Phước là những địa phương có diện tích mía lớn nhất huyện Sơn Hòa với trên 1.200 ha/xã. Tình trạng thiếu mía giống trầm trọng dẫn đến giá tăng đột biến. Nếu như năm 2009, giá mía giống dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/tấn thì nay tăng lên 1,4 triệu đồng/tấn khiến nhiều nông dân phải giảm diện tích vì không mua được giống. Anh Nguyễn Văn Nhàn ở thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) buồn bã nói: “Vụ trước tôi trồng 7 sào, vụ này chỉ trồng được 3 sào vì mía giống chết hết một nửa, không thể kiếm giống để bổ sung cho diện tích còn lại do giá quá cao, chất lượng không đạt yêu cầu”.
Theo một số người trồng mía tại Sơn Hòa, do nắng hạn nên hầu hết các ruộng mía giống bị khô, teo gần như hết cả thân cây. Có ruộng, cây mía giống chỉ lấy được 1/3, phần còn lại cho bò ăn. Một số ít ruộng giống có nước tưới, mía đạt tiêu chuẩn bán đắt như tôm tươi. Anh Nguyễn Văn Thanh ở khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn cho biết: Cách đây vài hôm, nhiều người đến tận ruộng mía của gia đình tôi tự khoanh vùng “xí” phần, bỏ công chặt rồi trả tiền với giá cao”.
Tình hình thiếu mía giống, giá mía giống quá cao ở tỉnh Phú Yên nói chung, các huyện miền núi nói riêng đang lên đến đỉnh điểm. Theo các nhà chuyên môn, để trồng được trên diện tích 1ha cần 9 tấn mía giống. Khó khăn nhất hiện nay đối với người trồng mía là phải chấp nhận mua giống với giá cao, nhưng hiệu quả giống lại thấp vì phải mua cả cây mà chỉ lấy được 1/3. Ông Đào Duy Linh cho biết, nhu cầu mía giống của bà con là rất cao, hiện tại huyện cũng không có giải pháp nào hỗ trợ giống cho nông dân. Để đáp ứng đủ giống cho vụ này, tính riêng huyện Sơn Hòa phải cần từ 15.000 – 20.000 tấn mía giống.
Do khan hiếm mía giống, nhiều hộ gia đình phải sử dụng giống không đạt chất lượng, như cây giống nhỏ, teo, thậm chí dùng cả phần ngọn để làm giống… Điều này sẽ dẫn đến tỉ lệ nảy mầm thấp, cây mía yếu, giảm năng suất...
PHƯƠNG