Thứ Tư, 15/01/2025 16:17 CH
Thị trường bảo hiểm:
“Chiến đấu” đến cùng, bỏ quên... hiệu quả
Thứ Sáu, 14/05/2010 10:05 SA

Năm 2009, tổng số lỗ của toàn thị trường bảo hiểm là 264 tỉ đồng, giảm 105,9 tỉ đồng so với năm 2008.

 

bao-hiem-2100514.jpg

Khách hàng giải quyết thủ tục bảo hiểm tại một doanh nghiệp ở Phú Yên - Ảnh: V.NGUYÊN

 

“LỌ MỌ LÀM ĂN MÀ VẪN KHÔNG HIỆU QUẢ”

 

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), nhận xét rằng, qua quá trình quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bộ nhận thấy các doanh nghiệp bảo hiểm không định hướng dài hạn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chưa đầu tư đúng mức vào phát triển nghiệp vụ bảo hiểm, công tác thống kê và định phí bảo hiểm, và tình hình cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt trong lĩnh vực phi nhân thọ, do hoạt động chưa chuyên nghiệp, chạy theo doanh thu nên một số doanh nghiệp cạnh tranh bằng mọi cách để giành dịch vụ, không chú ý đánh giá rủi ro, tính phí bảo hiểm và thu xếp tái bảo hiểm, nên đã lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

 

Hình thức cạnh tranh chủ yếu là hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm, tăng chi phí khai thác, tăng chi phí dưới hình thức khuyến mại.

 

Đồng tình với nhận xét của Bộ Tài chính, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, xác nhận: Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có giảm nhưng chưa nhiều. Các doanh nghiệp đã chịu ngồi lại với nhau để cùng tính toán các điều kiện điều khoản, xác định rủi ro, không chụp giật, nhưng mức độ thực hiện những cam kết đó vẫn còn yếu. “Nếu các doanh nghiệp hợp tác với nhau, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, thị trường sẽ tốt hơn, cứ chiến đấu đến cùng mà không tính đến hiệu quả như hiện nay, thì thật là lãng phí”, ông Tuyến nói.

 

GIẢI PHÁP NÀO?

 

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kêu gọi, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau, bàn xem hợp tác thế nào, tổ chức ra sao cho hiệu quả. Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, ông Trịnh Thanh Hoan, cho rằng: Trong năm 2010 cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành mới các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tạo khung pháp lý minh bạch để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và ổn định, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm. “Cạnh tranh trong bảo hiểm chủ yếu bằng giảm phí, vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra mức phí tối thiểu, doanh nghiệp sẽ không thể hạ thấp hơn thế, một mặt đảm bảo doanh nghiệp không bị phá sản, mặt khác đảm bảo quyền lợi khách hàng. Trong tương lai sẽ yêu cầu lập quỹ dự phòng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi khách hàng”, ông Hoan nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác với nhau, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, ông ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp để nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các quy định mới, hoàn thiện chính sách, thể chế về kinh doanh bảo hiểm cũng như để chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát. Ông Hà cũng nhất trí với giải pháp tăng cường quản trị doanh nghiệp và từng bước áp dụng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Ông Hà cũng nhắc nhở các doanh nghiệp bảo hiểm cần củng cố văn hóa kinh doanh, tăng cường hợp tác với nhau, tránh cạnh tranh không lành mạnh. “Cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm đã thực hiện tương đối tốt chức năng quản lý và giám sát thị trường, trong năm 2009 chưa phạt ai, nhưng chúng tôi sẽ xử lý cạnh tranh không lành mạnh một cách nghiêm khắc, công bằng trong năm 2010”, ông Hà nói.

 

LAN HƯƠNG - (TBKTVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek