Tuy mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm so với tháng trước, nhưng nhiều doanh nhiệp ở Phú Yên vẫn “kêu” không muốn vay vốn ngân hàng. Có ý kiến cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp cần phải “làm mới” chính mình.
Doanh nghiệp Phú Yên đang cần vốn để đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh - Ảnh: N.TRƯỞNG |
DOANH NGHIỆP VẪN “NGẠI” VAY VỐN
Số liệu thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho thấy, hiện tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng ở Phú Yên đạt trên 7.300 tỉ đồng, chỉ tăng 5,1% so với năm 2009. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 4.220 tỉ đồng, chỉ đáp ứng 59% nhu cầu vốn trên địa bàn. Dư nợ đạt 7.100 tỉ đồng, tăng chỉ 5,6% so với đầu năm, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2010 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra ở mức 23% đến 25%.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay 12% đến 13%/năm như hiện nay vẫn gây khó khăn cho những doanh nghiệp có tỉ lệ vốn vay ngân hàng lớn. So với thời điểm đầu năm 2010, tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng doanh nghiệp vẫn ngại “gõ cửa” ngân hàng vì lãi suất còn ở mức cao, trong khi trên 90% doanh nghiệp ở Phú Yên hoạt động quy mô vừa và nhỏ, ảnh hưởng không ít đến “sức khỏe” kinh tế địa phương.
Thực tế, việc “đói” vốn đang khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên gặp khó khăn. Ông Huỳnh Văn Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Huỳnh Lê (huyện Tây Hòa) cho biết, ngay đầu năm, công ty có kế hoạch mua thêm ô tô tải để kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, nhưng đến thời điểm này không thể triển khai được do lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức 13%/năm, trong khi lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư chỉ ở khoảng 20%. Nếu tính tổng chi phí đầu vào thì doanh nghiệp chỉ có đường hòa hoặc lỗ vốn. Còn ông Phan Ngọc Nhân, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở huyện Đông Hòa nói: “Động thái giảm lãi suất cho vay của hầu hết các ngân hàng là một tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay để bổ sung nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo tôi mức lãi suất này hiện vẫn còn khá cao”.
Ngoài các nguyên nhân như thiếu tài sản thế chấp, chưa minh bạch về tài chính, vốn tự có thấp…, sở dĩ doanh nghiệp Phú Yên khó tiếp cận vốn còn bởi việc huy động vốn của các ngân hàng đang trong tình trạng khó khăn. Thêm vào đó, các sản phẩm, nhất là thủ tục vay vốn của ngân hàng chưa được thiết kế phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên việc vay vốn của ngân hàng vẫn chưa được khai thông.
Theo nhận xét của các ngân hàng tại Phú Yên, xu thế lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm trong thời gian tới và lượng cung vốn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ giảm không quá sâu mà ổn định ở mức hợp lý để đảm bảo giá trị đồng Việt
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Phú Yên- Ảnh: Q.THUẦN |
ĐỪNG LÀ KHÁCH HÀNG MỚI
Muốn cải thiện tình trạng trên, đòi hỏi sự nỗ lực của cả doanh nghiệp lẫn các ngân hàng. Theo bà Huỳnh Kim Thoa, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tại Phú Yên, muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi hơn, các doanh nghiệp cần phải chứng minh được phương án sản xuất, kinh doanh và có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng công khai tài chính, qua đó giúp ngân hàng dễ dàng đánh giá được năng lực tài chính của doanh nghiệp để làm cơ sở quyết định có cho vay hay không. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần giữ uy tín khi giao dịch với các ngân hàng, ngay từ lần giao dịch đầu tiên. Chỉ cần một vài lần nợ quá hạn, doanh nghiệp rất khó thuyết phục ngân hàng cho vay tiếp. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho rằng, muốn dễ tiếp cận vốn, với mức lãi suất “mềm” các doanh nghiệp nên chú ý tạo mối quan hệ thân thiết với một ngân hàng, hãy là khách hàng quen thuộc để biến mình thành “người trong nhà” của một ngân hàng nào đó. Khi đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi tối đa khi tiếp cận vốn với mức lãi suất dễ chịu. Nếu doanh nghiệp nay đi vay ngân hàng này, mai chạy đi kiếm vốn ở ngân hàng khác, chắc chắn sẽ luôn bị các ngân hàng xếp vào diện khách hàng mới, vì không biết lai lịch của doanh nghiệp thế nào.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Luxunilo (khu công nghiệp An Phú) cho rằng, ngân hàng cũng cần có sự thay đổi về cơ chế vay vốn đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, các ngân hàng không chỉ dựa trên tài sản thế chấp khi cho vay mà nên mở rộng hạn mức cho vay tín chấp khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, uy tín trong thanh toán vốn vay. Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Văn Hữu cho rằng, bản thân ngân hàng cũng cần nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới phù hợp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, cần xem xét cho doanh nghiệp vay dựa trên cơ sở phương án sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp, không nên cứng nhắc dựa trên tài sản thế chấp, quy mô vốn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp xuất trình được hợp đồng bán hàng cho các đối tác có uy tín, thương hiệu lớn, khả năng thanh toán vốn tốt, thì các ngân hàng nên căn cứ vào đó để linh hoạt cho vay với hạn mức hợp lý.
NGUYỄN QUANG