Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt
Quy hoạch sẽ tập trung xây dựng một số đảo trọng điểm về kinh tế như đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), cụm đảo Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu); hay phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh như cụm đảo Cô Tô- Thanh Lân (Quảng Ninh), cụm đảo Cát Bà- Cát Hải (Hải Phòng), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Phú Quý (Bình Thuận). Sơ bộ dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đảo từ nay đến 2020 khoảng 162,5 ngàn tỉ đồng, trong đó vốn cho giai đoạn 2010-2015 khoảng 51,8 ngàn tỉ đồng được huy động từ các nguồn ngân sách (gần 60%), các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn nước ngoài.
Định hướng từ nay đến năm 2020, tập trung xây dựng nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo, coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích dân ra định cư lâu dài trên các đảo, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển, đảo. Đến năm 2020 tất cả các huyện đảo, xã đảo và các đảo quan trọng khác về cơ bản đều có hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hạ tầng thông tin - truyền thông cũng được tiếp tục đầu tư, nâng cấp. Cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản cũng sẽ được xây dựng đồng bộ.
Để đạt được mục tiêu trên, sẽ hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản... Phát triển du lịch được coi là hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đảo trong những năm tới. Trước mắt, sẽ phát triển nhanh du lịch ở Phú Quốc và Vân Đồn, sớm hình thành 2 khu du lịch sinh thái biển đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới, tạo sự bứt phá cho du lịch biển đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp hiện đại hóa các khu du lịch Cát Bà, Côn Đảo... Phấn đấu đến năm 2020 du lịch vùng đảo thu hút khoảng 2,7- 2,8 triệu lượt khách, trong đó có 700-850 ngàn lượt khách quốc tế.
Về khai thác thủy sản, đến năm 2020, tổng sản lượng hải sản của vùng đảo đạt 300-350 ngàn tấn, trong đó khai thác 280-300 ngàn tấn; giá trị sản xuất ngành hải sản đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7-8%/năm thời kỳ 2011-2020. Chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ cho các đảo có điều kiện thuận lợi như Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Thổ Chu, Phú Quốc và một số đảo khu vực Trường Sa... Đồng thời, khai thác tối đa các loại hình mặt nước biển ven đảo của các đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi ở khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, Phú Yên - Khánh Hòa và Kiên Giang... vào nuôi trồng hải sản.
Theo Chinhphu.vn