Xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) có 8 thôn buôn, hơn 500 hộ dân, toàn xã hiện có khoảng 9ha cây ca cao do Chương trình 135 giai đoạn 2 hỗ trợ, trong đó thôn Yên Sơn, 2A và 2B có 2 ha, được giao cho 4 hộ trồng thí điểm. Đến nay, ca cao được hai năm tuổi đã bắt đầu ra hoa kết trái, song tỉ lệ cây sống và trưởng thành rất thấp do thiếu nước tưới và không có cây che bóng mát.
Chỉ có cây ca cao trong vườn ông Khổng Minh Quân mới ra hoa - Ảnh: P.NAM
Ô ng Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết, theo dự án, ưu điểm của cây ca cao là chịu được thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là trồng xen canh với các loại cây trồng khác. Dự kiến trong năm 2010, xã Sông Hinh sẽ mở rộng phát triển đại trà cây ca cao với diện tích 500ha.
Tuy nhiên, ông Thuân nói: Qua khảo sát tại một số hộ đã được tập huấn và trồng thí điểm cây ca cao tại thôn Yên Sơn và 2A, đối với cây 1 - 2 năm tuổi cho thấy, tỉ lệ cây sống quá thấp, một số diện tích chỉ còn lại không quá 40%. Ông Khổng Minh Quân ở thôn Yên Sơn cho biết: “Năm 2008, tôi được hỗ trợ trồng 400 cây trên diện tích 5.000m2, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 200 cây còn sống và đã ra hoa, nhờ được trồng trong vườn nhà có nước tưới và cây che bóng mát. Số còn lại chết sạch vì nắng nóng, khô hạn”. Theo ông Quân, ca cao là cây dễ trồng, ít tốn phân bón và công chăm sóc nhưng rất cần nước và bóng mát, mà tại vùng đất này, nguồn nước đáp ứng để phát triển trồng ca cao đại trà là rất khó khăn.
Ghé thăm vườn ca cao một năm tuổi của ông KSiu Thắng ở thôn 2A trong thời điểm khô hạn, chúng tôi thấy, tất cả đã gần như rũ lá và có hiện tượng chết nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài. Vì vườn ca cao của ông Thắng hoàn toàn dựa vào nước trời mà không có một bóng cây che phủ.
Năm 2008, Chương trình 135 giai đoạn 2 đã hỗ trợ 10.000 cây giống ca cao cho 30 hộ dân huyện Sông Hinh với kinh phí gần 70 triệu đồng để trồng thí điểm. Hiện nay, nhu cầu về cây giống để mở rộng diện tích trồng ca cao của dân khá lớn, song nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại vì thiếu nguồn nước tưới tiêu và cây che phủ khi trồng xen canh trên diện tích lớn do thời tiết nắng hạn. Mặt khác, cơ cấu cây trồng của địa phương lâu nay chủ yếu là cà phê và sắn, độ che phủ thấp và khả năng chịu hạn kém.
Theo các nhà chuyên môn, so với cà phê thì ca cao có nhiều ưu thế hơn vì dễ trồng, đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu ít, giá cả ổn định, nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn về giống, chủ động tưới tiêu và độ che phủ trong mùa nắng nóng, nhất là khi cây còn nhỏ.
Để cây ca cao trở thành cây trồng chủ lực, thật sự mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài tại xã Sông Hinh nói riêng, các địa phương khác nói chung, ngành chức năng và địa phương cần thận trọng và có những giải pháp tính toán, hướng đi phù hợp đối với loại cây trồng này, mà cụ thể là chủ động nguồn nước và định hướng phát triển các cây trồng có độ che phủ lớn trước khi đưa cây ca cao vào trồng xen canh đại trà.
Chuyển đổi cơ cấu, xen canh các loại cây trồng là hướng đi tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nhưng cũng không nên nhất thời triển khai một cách ồ ạt, thiếu sự tính toán, cân nhắc, dẫn đến không mang lại hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí và làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
PHƯƠNG