Tình hình dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Con giống không được kiểm dịch trước khi thả nuôi, nguồn nước bị ô nhiễm... Báo Phú Yên phỏng vấn bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Thu hoạch tôm nuôi ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) - Ảnh: A.NGỌC
* Bà có thể cho biết tình hình dịch bệnh, sử dụng hóa chất và môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
- Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các vùng nuôi. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng các vùng nuôi không đảm bảo, kênh thoát nước không được khơi thông, trong khi đó ý thức của người nuôi còn hạn chế. Ngoài ra chất lượng con giống hầu như không được kiểm soát. Giống nuôi phần lớn không qua kiểm dịch, kiểm tra mầm bệnh trước khi thả nuôi. Đối với nguồn giống do các công ty có thương hiệu cung cấp thì người nuôi không được xem giống trước khi mua, mà phụ thuộc hoàn toàn vào người cung cấp giống. Theo phản ảnh các địa phương và người nuôi, hiện trên thị trường có hàng trăm sản phẩm thuốc khác nhau, trong khi chất lượng lại không được kiểm soát. Hiện tượng người nuôi sử dụng hóa chất cấm trong cải tạo ao đìa vẫn còn phổ biến.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã tiến hành 5 đợt lấy mẫu nước tại các vùng quan trắc trong tỉnh để đánh giá môi trường và cảnh báo dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Kết quả chất lượng nước tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu không có biến động lớn. Các chỉ tiêu thủy lý như độ mặn, độ kiềm, pH… trong ngưỡng cho phép. Riêng tại vùng nuôi cá mú thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc có hiện tượng cá mú chết ở nhiều cỡ và không có các biểu hiện dịch bệnh, hiện chưa xác định được nguyên nhân. Qua khảo sát, cho thấy nguồn nước không bị ô nhiễm. Ở vùng nuôi huyện Tuy An, chất lượng nước tốt, không phát hiện ô nhiễm hữu cơ. Tại các điểm khảo sát hàm lượng phosphats, sắt, sulfuahydro, vibrio trong ngưỡng cho phép. Đối với vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) được cải thiện. Độ mặn 10 đến 20‰, riêng tại vùng nuôi Phước Giang, độ mặn chỉ 5‰, độ kiềm, pH nước thấp. Trong khi đó độ kiềm tại rạch Ba Gánh, Phước Giang và cầu Xác Cháy, Hòa Xuân Đông chỉ 60ppm và pH nước dưới 8,0, ô nhiễm sắt. Vùng nuôi Vũng Tàu, Hòa Hiệp
* Trước tình hình này, trung tâm đã có những giải pháp gì, thưa bà ?
- Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường nuôi ô nhiễm và dịch bệnh trên tôm nuôi lan rộng, Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đề xuất Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý chất lượng con giống, chất lượng các sản phẩm thuốc thú y thủy sản... Tuyên truyền, nâng cao ý thức người nuôi trong việc ngăn ngừa, xử lý bệnh dịch theo Hướng dẫn 429/2010 của Cục Thú y về triển khai các biện pháp tổng hợp kiểm soát dịch bệnh cho tôm nuôi. Phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng cá mú chết hàng loạt ở thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc nhằm giúp người nuôi ổn định lại sản xuất. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn quản lý tình hình sản xuất thủy sản của địa phương, kiến nghị với các cấp quản lý nâng cấp hạ tầng cơ sở cho các vùng nuôi, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản…
Đối với người nuôi tôm, hiện nay nhiều vùng nuôi đang cải tạo ao đìa để thả nuôi, bà con nên thực hiện đúng các hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh tôm nuôi của các cơ quan chức năng. Phát huy trách nhiệm trong việc ngăn ngừa bệnh dịch lây lan trong vùng nuôi. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc, hóa chất có trong danh mục cấm sử dụng đối với nuôi trồng thủy sản. Đối với người nuôi cá mú nên cẩn thận khi lựa chọn con giống thả nuôi, tránh mua con giống từ nguồn khai thác bằng hóa chất hoặc các phương tiện khai thác có tính chất hủy diệt môi trường nhằm giảm tỉ lệ hao hụt trong quá trình nuôi. Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên tiếp tục thực hiện xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho người nuôi tôm trong tỉnh, gồm các loại tôm post, tôm bố mẹ, tôm nuôi thương phẩm và ưu tiên cho các vùng nuôi trọng điểm đang bị dịch bệnh hoặc nghi ngờ dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả vào thứ sáu hàng tuần đối với những mẫu được nhận trước 9 giờ ngày thứ tư. Nếu người nuôi tôm tích cực cộng tác với Trung tâm thì tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ hạn chế đến mức thấp nhất...
* Xin cảm ơn bà!
NGỌC CHUNG (thực hiện)