Thứ Năm, 28/11/2024 03:27 SA
Chuyện ở “phố núi” Suối Trai
Thứ Sáu, 21/07/2006 07:57 SA

Những ngôi nhà mới khang trang, bên trong có nhiều tiện nghi đắt tiền… đã thực sự biến khu tái định cư Suối Trai của đồng bào dân tộc thiểu số thành “phố núi”. Thế nhưng, “phố” đang có vấn đề khi chuyện làm ăn của bà con chưa được hoạch định rõ ràng.

 

“PHỐ” CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

 

Từ ngã ba đối diện với trụ sở xã Suối Trai huyện Sơn Hòa vào buôn Xây Dựng, chúng tôi bắt gặp hàng chục ngôi nhà mới mọc lên thẳng hàng, kiểu dáng hiện đại, trong đó có những ngôi nhà mái bằng kiên cố. Hầu như nhà nào cũng nền gạch hoa, mặt tiền ốp gạch men, cửa sắt kéo hoặc cửa kính sáng loáng. Trên những mái nhà còn tươi màu ngói đỏ là những cần an-ten bắt sóng truyền hình vươn cao. Chỉ khác là những ngôi nhà đó xây không liền vách như phố thị và tầm mắt vẫn không thoát khỏi màu xanh của núi rừng bao quanh.

 

060721 nha.jpg

Một góc “phố núi” Suối Trai – Ảnh: N.T

 

Khu tái định cư buôn Xây Dựng thuộc dự án tái định cư thuỷ điện Sông Ba Hạ. Toàn xã Suối Trai có 112 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng phải di dời nhà ở thì có 71 hộ nhận tiền đền bù tự xây dựng lại nhà ở. Riêng tại điểm tái định cư này, có 30 hộ tự thiết kế nhà, hình thành nên diện mạo cho “phố núi” Suối Trai. Ma Thơ, Chủ tịch HĐND xã là người đầu tiên xây nhà tại điểm tái định cư này vào tháng 10- 2005. Đó là ngôi nhà cấp 4, rộng chừng 75m2, có ban-công đúc bao quanh 2 mặt. Bên cạnh vẫn còn ngôi nhà sàn vách gỗ cũ kỹ. Ma Thơ cho biết, ông đã chi 85 triệu đồng để xây ngôi nhà này, đó là chưa kể tận dụng cây gỗ có sẵn tại chỗ trị giá khoảng 10 triệu đồng nữa. Ông còn bảo: các nhà tự xây có giá trị thấp nhất cũng đến 50- 70 triệu đồng, còn nhà to nhất là của Ma Pác hơn 150 triệu đồng.

 

Ở điểm tái định cư này, BQL dự án thuỷ điện 7 (trước đây là BQL dự án thuỷ điện 3) cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng thiết yếu bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Đó là tuyến giao thông dài 3,3 km nối liên buôn Hoàn Thành với buôn Đoàn Kết, hệ thống lưới điện hạ thế cùng trạm biến áp 75KVA đưa điện đến từng hộ dân, đào mới 26 giếng nước sinh hoạt, xây dựng trường tiểu học 2 tầng gồm 10 phòng học và nhà ở cho giáo viên, một trường mẫu giáo rộng 230 m2, một nhà rông văn hoá rộng 120 m2, xây dựng thêm cho trạm y tế xã 2 phòng điều trị bệnh và hỗ trợ xã xây dựng hội trường có diện tích 90 m2. Tổng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng trên trị giá 5.766 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản đền bù đất đai, hoa màu cho người dân trong xã hơn 18 tỷ đồng.

 

NỖI LO: THIẾU ĐẤT SẢN XUẤT, THẤT NGHIỆP...

 

Có thể nói với cơ sở hạ tầng và nhà cửa được xây dựng khang trang, bộ mặt xã vùng sâu Suối Trai thay đổi rất nhiều và bà con dân tộc thiểu số đến nơi tái định cư  đã có chỗ ở tươm tất với điều kiện sinh hoạt tốt hơn hẳn so với trước đây. Tuy vậy, ở “phố núi” này cũng đang có những vấn đề bức xúc đáng quan tâm.

 

Xây dựng nhà ở là nhu cầu bức thiết của người dân tái định cư, nhưng có cảm giác dường như bà con ở đây đua nhau làm nhà, ai cũng muốn có nhà to hơn, đẹp hơn mà chưa nghĩ đến đầu tư vào sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài. Ma Pác được đền bù 4 ha đất và hoa màu trị giá 120 triệu đồng xây ngôi nhà rộng gần 150 m2 mà chưa ưng ý còn bán thêm 20 con bò để xây thêm một ngôi nhà rộng hơn 50m2 nữa và mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Con trai cả Ma Thơ đã ra ở riêng được hỗ trợ 37 triệu đồng xây dựng lại nhà cửa nhưng chấp nhận nợ nần để làm nhà đến 50 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều hộ đã xây dựng nhà xong nhưng vẫn chưa dời đến ở. Ma Thơ giải thích, khu tái định cư này làm gần khu vực thi công tuyến kênh dẫn dòng, xe máy hoạt động liên tục gây bụi và tiếng ồn quá mức, bà con không chịu được nên nhà xây xong vẫn ở nơi cũ. Điều đáng quan tâm hơn, nhiều hộ sau khi nhận tiền đền bù đất đai, hoa màu dồn vào xây nhà, mua xe máy hết tiền, mất đất sản xuất trở thành người thất nghiệp. Ông Lê Trung Thành, Trưởng phòng Môi Trường- Tái định cư BQL Dự án thuỷ điện 7 cho biết, dự án tái định cư Suối Trai có quy hoạch đồng ruộng 110 ha để cấp cho bà con. Quỹ đất này thuộc các khu phụ trợ, bãi đất trong khu vực thi công công trình thuỷ điện sẽ được cải tạo thành đồng ruộng có nước tưới để sản xuất lúa nước ổn định. Nghĩa là phải đợi đến khi công trình thuỷ điện gần hoàn thành thì những diện tích đó mới có thể san ủi chuyển thành đồng ruộng, người dân bị thu hồi đất phải chờ 2- 3 năm nữa mới có đất sản xuất. Một cán bộ xã Suối Trai bày tỏ lo lắng: “Đợi đến khi được cấp đất thì sợ bà con đã quen chây lười lao động, biết đâu trong thời gian “ăn không ngồi rồi” không phát sinh những tệ nạn tiêu cực!”.

 

Khi trao đổi với lãnh đạo huyện Sơn Hoà về những vấn đề phát sinh của khu tái định cư Suối Trai thì chúng tôi được biết, từ tháng 3- 2006, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị tỉnh cho phép địa phương cùng BQL dự án thủy điện 3 đầu tư  lập dự án khai hoang khoảng 142 ha để cấp cho người dân tái định cư nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống. Quả thật, định canh gắn với định cư đang là vấn đề tồn tại lớn hiện nay ở “phố núi” Suối Trai cần được quan tâm giải quyết.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek