Thứ Năm, 16/01/2025 18:49 CH
Nghịch lý cát xây dựng?
Thứ Năm, 29/04/2010 14:06 CH

Cát xây vật liệu xây dựng thông thường không thể thiếu khi xây dựng công trình, nhà cửa. Thế nhưng trên nhiều địa bàn tỉnh không có giấy phép khai thác cát nhưng các dự án, công trình xây dựng vẫn thi công hoàn thành. Nghịch lý đó do đâu?

 

cat100429.gif

Cát khai thác trái phép không thiếu ở khu vực xã Hòa An, huyện Phú Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Theo quy hoạch các điểm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi) trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 413/QĐ-UBND, Phú Yên có trữ lượng cát lòng sông thuộc sông Ba, sông Cái, sông Bánh Lái và sông Tam Giang khoảng 370 triệu m3, trong đó có 30 điểm mỏ (doi) cát được quy hoạch khai thác với trữ lượng 150 triệu m3. Đây là cơ sở để tỉnh quản lý, cấp phép khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương. Tuy nhiên, để có được một giấy phép khai thác khoáng sản không phải dễ dàng. Thực tế cho thấy, trong thời gian dài từ tháng 01/2007 đến tháng 01/2010, các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Đông Hòa và TX Sông Cầu chưa hề có điểm mỏ cát nào được cấp phép khai thác. Hiện nay, cả tỉnh chỉ có một giấy phép khai thác cát còn hiệu lực thuộc về Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên được phép khai thác cát lòng sông Ba tại khu vực xã Hòa An (Phú Hòa).

 

Vậy cát ở đâu để nhà thầu có đổ mặt bằng, làm nguyên liệu xây dựng công trình, người dân xây cất nhà cửa đang diễn ra khắp các nơi trong tỉnh? Khi trúng thầu thi công dự án, xây dựng công trình, các nhà thầu đặt vấn đề xin phép khai thác cát. Nhưng vì có quá nhiều vướng mắc về thủ tục, mất nhiều thời gian, lại tốn kém, trong khi tính cấp bách của tiến độ thi công dự án, công trình không thể chờ đợi nên các nhà thầu tìm cách “xé rào”. Từ bức xúc đó, chính quyền cơ sở dễ dàng bỏ qua hoặc tạo điều kiện cho nhà thầu khai thác cát trái phép và tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan từ đó. Để có cát đổ mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng của thị trấn huyện lỵ mới tại Hòa Vinh, UBND huyện Đông Hòa cho phép các nhà thầu thi công khai thác cát tại xã Hòa Hiệp Nam. Với hơn 157,5 ngàn m3 cát khai thác trái phép mà nhiều công trình hạ tầng ở đây được đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp đưa vào sử dụng tạo diện mạo mới cho trung tâm huyện lỵ. Trong khi đó, huyện Tây Hòa lại loay hoay với thủ tục, nhiều công trình phải dừng thi công vì thiếu… cát, mặc dù cát lòng sông Ba thuộc địa phận của huyện này không thiếu.

 

Năm vừa qua, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đợt thanh tra về tình hình quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện trong số hơn 424.000 m3 cát đưa vào các dự án, công trình do cấp tỉnh và huyện làm chủ đầu tư, có đến 70% lượng cát không rõ nguồn gốc, nói cách khác là khai thác trái phép. Dự án, công trình của tỉnh, của huyện đã vậy, còn những công trình của xã, phường làm chủ đầu tư và nhà ở của nhân dân thì chắc rằng càng không có phép khai thác cát. Nếu vậy, lượng cát khai thác trái phép trên địa bàn tỉnh có thể lên đến cả triệu m3/năm (!)

 

Tại sao Phú Yên có trữ lượng cát lòng sông được phép khai thác khá lớn nhưng trên địa bàn tỉnh không có mấy giấy phép khai thác được cấp để nhà thầu phải khai thác trái phép ? Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tổ chức đợt giám sát về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đưa ra kết luận: Thủ tục, quy trình cấp phép khai thác khoáng sản còn rườm rà, nhiều bất cập, dẫn đến thời gian cấp phép kéo dài gây lãng phí thời gian và tài sản nhân dân, thêm khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Còn ông Lê Mai, Phó phòng Quản lý Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên) cũng thừa nhận việc cấp phép trong hoạt động khoáng sản còn quá nhiều vướng mắc ngay từ luật và những văn bản dưới Luật. Theo Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2005, việc cấp phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và chỉ những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lĩnh vực khoáng sản mới được cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để có được giấy phép khai thác, doanh nghiệp phải hoàn thành 24 mục qua nhiều “cửa” của nhiều ngành, nhiều cấp, thời gian kéo dài từ 6 tháng đến 18 tháng (!) Bên cạnh đó, Chỉ thị 29/2008/CT-TTg còn quy định: “Khối lượng cát, sỏi khai thác của một giấy phép không quá 5.000 m3, thời hạn khai thác của một giấy phép không quá 6 tháng và chỉ thực hiện trong mùa khô”. Những “rào cản” đó đã làm nản lòng các doanh nghiệp muốn sớm có giấy phép khai thác cát kịp thi công dự án, công trình.

 

Có thể nói, nhu cầu cát xây dựng đang tăng nhanh theo yêu cầu phát triển của xã hội. Vì không thể để công trình chờ cát mà việc khai thác trái phép diễn ra tràn lan đang là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương. Vì vướng mắc trong việc cấp phép mà những người khai thác, kinh doanh cát trái phép có cơ hội làm ăn, thu lợi bất chính. Điều đó chẳng những không quản lý được tài nguyên, thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Nghịch lý đó cần sớm có lời giải từ cơ quan chức năng.

 

 

MAI ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Công trình đa mục tiêu
Chủ Nhật, 02/05/2010 16:00 CH
Nhọc nhằn cây cà phê ở Chứ Sai
Chủ Nhật, 02/05/2010 07:00 SA
Thận trọng với mỹ phẩm chống nắng
Thứ Bảy, 01/05/2010 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek