Tình trạng khai thác khoáng sản (cát, sạn) trái phép trên sông Ba, đoạn qua các huyện Phú Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực hạ lưu, gây sạt lở đất sản xuất, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, chính quyền các địa phương cũng đã biết và có biện pháp xử lý, song vẫn không ngăn chặn dứt điểm được.
Xe tải “ăn” cát trong một bãi tập kết ngay trong vườn nhà ở thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) - Ảnh: P.NAM
KHAI THÁC VÔ TỘI VẠ, DÂN MẤT ĐẤT SẢN XUẤT
Con đường bê tông dẫn về các thôn Đông Bình, Ân Niên, Vĩnh Phú (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nhộn nhịp với những đoàn xe tải (loại 2,5 tấn) nối đuôi nhau chở đầy cát, sạn qua lại. Tại khu dân cư Đông Bình, chúng tôi chứng kiến hàng trăm mét khối cát, sạn được tập kết dọc hai bên đường. Vào sâu hơn, đến gần bờ sông, chúng tôi gặp một bãi tập kết cát, sạn lớn hơn, với hàng nghìn mét khối, cao ngất ngưởng qua đỉnh đầu người. Người dân ở đây cho biết, phần lớn số cát, sạn này là của một chủ tại địa phương, thuê nhân công, máy móc đào múc ngay bên bờ sông Ba và đưa đi tiêu thụ từ nhiều tháng qua. Một người dân ở thôn Đông Bình, xã Hòa An cho biết: Hàng ngày ước có khoảng 200 lượt xe tải ra vào chở cát, sạn, đó là chưa kể vận chuyển bằng cộ bò.
Tại hai thôn Ân Niên, Vĩnh Phú tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sạn trái phép cũng đến mức báo động. Theo quan sát của chúng tôi, tại mỗi thôn này có khoảng 10 điểm tập kết cát, sạn lớn nhỏ nằm trong khu vực dân cư. Hoạt động mua, bán loại vật liệu xây dựng này diễn ra khá nhộn nhịp. Bà L.T.T, người dân ở thôn Vĩnh Phú, than phiền: “Tình trạng khai thác cát, sạn trái phép diễn ra từ nhiều năm nay. Cảnh xe tải gầm rú trên đường là chuyện thường ngày, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, mà không dám kêu ca vì sợ bị trả thù”. Con đường từ thôn Đông Bình đến thôn Ân Niên và Vĩnh Phú dài chừng 5km, xuất hiện hàng chục nhánh rẽ đến bờ sông. Đây là “cửa ngõ” ra vào của những điểm khai thác, vận chuyển cát, sạn trái phép diễn ra hàng ngày. Dọc hai bên bờ sông, hàng nghìn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân đã bị sạt lở, cuốn trôi. Những rặng tre trước kia từng che chắn xóm làng giờ gần như bị biến mất, để lộ những khoảng đất trống trơ trọi do hoạt động khai thác cát, sạn ven bờ. Ông Huỳnh Tấn Thu, 84 tuổi ở thôn Vĩnh Phú là “nhân chứng sống” về tốc độ xâm thực của sông Ba cho biết: “Cách đây vài năm, gia đình tôi có hai sào đất sản xuất, giờ đã bị nước cuốn trôi mất. Mép nước sông đã ăn sâu vào hơn 400m so với trước kia và hiện đang tiếp tục lấn sâu vào vườn nhà. Gia đình tôi chỉ biết đứng nhìn sông “ăn” đất vườn nhà”.
Một đoạn đất sản xuất bị đổ sụp xuống sông Ba. - Ảnh: P.NAM
Theo quan sát của chúng tôi, cứ 10 phút lại có một chuyến xe vận chuyển cát, sạn từ bờ sông lên bến bãi hoặc chở đi tiêu thụ. Với tần suất cao như vậy thì dòng sông sẽ bị xâm hại nặng nề và hàng loạt những vấn đề về môi sinh, môi trường, xâm thực, đời sống dân sinh... bị biến động theo chiều hướng tiêu cực.
Đứng trên cầu Đà Rằng (cũ) phóng tầm mắt về hướng Nam thuộc địa phận phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) và xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), dễ dàng nhìn thấy cảnh tượng vận chuyển cát, sạn diễn ra rầm rộ. Chúng tôi không khó để vào được “công trường” khai thác cát, sạn này. Cách bãi tập kết cát, sạn không xa là những chiếc thuyền, thiết bị máy móc luôn trong tư thế sẵn sàng hoạt động khi màn đêm buông xuống. Tại điểm tập kết có cả dịch vụ giải khát để phục vụ cho những người khai thác. Chỉ trong khoảng 15 phút có 2-3 lượt xe ung dung ra vào chở cát, sạn. Người dân ở đây cho biết, đây là bãi tập kết cát, sạn của ông Nớ; nguồn gốc cát được hút từ lòng sông Ba thuộc địa bàn các xã Hòa Thành, Hòa An… vào ban đêm và vận chuyển về điểm tập kết bằng ghe, thuyền.
Cách đó không xa là bãi khai thác cát, sạn của ông Tài nằm trên địa phận xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa). Bình quân mỗi ngày có từ 40 đến 50 xe cát tại bãi cát này được vận chuyển đi nơi khác. Giá bán tại bãi 120.000 đồng/chuyến đối với xe trọng tải 2,5 tấn (tương đương 4m3).
XỬ LÝ: CÒN MANG TÍNH ĐỐI PHÓ
Bà Phạm Thị Kiều Diễm, cán bộ phụ trách khoáng sản Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Hòa cho biết, đơn vị đã nhiều lần tiến hành ngăn chặn và gần đây nhất, tại biên bản làm việc ngày 4/3/2009 có sự tham gia phối hợp của Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên, UBND huyện Phú Hòa, UBND xã Hòa An về việc địa phương này liên tục để tái diễn tình trạng đấu thầu khai thác cát trên sông Ba; yêu cầu chậm nhất đến ngày 8/3/2009 phải chấm dứt hoạt động khai thác cát, sạn tại xã Hòa An. Sau đó địa phương này đã thanh lý hợp đồng với các đơn vị khai thác cát.
Tuy vậy, đã hơn một năm trôi qua, tình trạng khai thác cát, sạn trái phép trên địa bàn xã Hòa An vẫn chưa chấm dứt, thậm chí trở thành điểm “nóng”. Ông Nguyễn Tuận, Chủ tịch UBND xã Hòa An cho rằng, công tác quản lý khai thác cát, sạn hết sức khó khăn. “Thời gian gần đây chúng tôi liên tục phối hợp kiểm ra, xử phạt nặng hàng chục lượt xe tải, kể cả xe công nông, cộ bò vận chuyển cát trái phép, song cũng chỉ là giải pháp tình thế. Sau mỗi đợt kiểm tra, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn. Địa phương cũng đã làm hết chức năng, thẩm quyền, nhưng không có cách nào ngăn chặn triệt để được, mà chỉ còn cách mời các đối tượng làm cam kết không tái phạm hành vi trên” – ông Tuận phân trần.
Bãi tập kết cát, sạn của ông Nớ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). - Ảnh: P.NAM
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ phụ trách Địa chính - Tài nguyên phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) thừa nhận: Ông Phạm Văn Nớ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mua bán đá chẻ, sạn, cát do UBND TP Tuy Hòa cấp. Nhưng nguồn gốc tập kết, khối lượng cát, sạn của chủ khai thác này hiện địa phương chưa thể kiểm soát và xác định rõ được. Ông Hùng nói thêm: Việc có người xây cất nhà quán kinh doanh giải khát ven bờ sông là vi phạm quy định về đất đai. Địa phương đã lên kế hoạch cưỡng chế di dời nếu cá nhân không chấp hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Mai Tấn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) cho biết, khu vực khai thác cát, sạn thuộc diện tích đất sản xuất đã được giao quyền sử dụng đất theo Nghị định 64 của Chính phủ. Người dân đã làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền xem xét cho cải tạo để trồng hoa màu do mặt bằng bị bồi lấp. Trong khi chờ đợi, họ tự ý cho tư nhân khai thác cát theo giá thỏa thuận. Địa phương cũng đang xem xét, nếu phát hiện sai phạm sẽ có hướng xử lý theo quy định.
Thực trạng khai thác cát, sạn trái phép trên sông Ba đoạn qua hai huyện Phú Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa đã diễn ra từ lâu. Mặc dù đã được các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố ngăn chặn, song tình trạng này chỉ tạm dừng trong một thời gian ngắn, rồi lại tiếp tục bùng phát trở lại với quy mô, hình thức phức tạp hơn. Người dân sống gần các điểm khai thác cát dọc hai bên bờ sông Ba cho biết việc khai thác cát, sạn trái phép này là do một số “ông chủ” có tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng điều hành và gần như độc quyền, kể cả về bến bãi cũng như đường vận chuyển. Điều này khiến người dân tỏ ra bất bình và đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý sự việc chưa thật rốt ráo, thiếu kiên quyết?
Ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP Tuy Hòa: Ngoài việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, phòng cũng đã tham mưu UBND thành phố giao trách nhiệm UBND các xã, phường quản lý lĩnh vực này. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sạn trái phép dưới mọi hình thức thì chủ tịch UBND xã, phường đó phải chịu trách nhiệm” Ông Đỗ Cao Dũng, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa): Địa phương đã nhiều lần phối hợp với các ngành liên quan nhắc nhở, xử lý, thậm chí xử phạt nặng những trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản trên địa bàn. Phường Phú Lâm cũng đã lên kế hoạch kiểm tra các hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản trên toàn phường, nếu phát hiện sai phạm, nhất là về lĩnh vực giấy phép kinh doanh, nguồn khoáng sản thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
PHI CÔNG – PHƯƠNG