Thứ Tư, 09/10/2024 20:26 CH
“A lô” ra đồng chăm sóc lúa
Thứ Hai, 12/04/2010 18:00 CH

Vào vụ sản xuất lúa, ngày nào ông Thơ cũng ra đồng thăm lúa. Trên tay cầm theo tấm bản đồ giải thửa, đám ruộng nào bị bệnh, ông liền gọi điện cho chủ ruộng để có hướng chữa bệnh cho lúa. Cách làm này được nhiều nông dân ở huyện Phú Hòa tích cực hưởng ứng.

 

tho-1100412.jpg

Ông Thơ kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa đông xuân tại thị trấn Phú Hòa - Ảnh: H.NAM

 

BIẾT SỐ ĐIỆN THOẠI TỪNG CHỦ RUỘNG

 

“Nghề của tôi là nhìn lá lúa và biết số điện thoại của chủ ruộng. Có thế mới liên lạc, thông báo cho bà con ra đồng phòng trừ sâu bệnh hại”, ông Phạm Tấn Thơ, cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Phú Hòa thổ lộ. Từ hai năm nay, để có được “bí quyết” nhìn lá lúa và biết số điện thoại, ngay từ đầu vụ ông Thơ làm việc với các hợp tác xã nông nghiệp cung cấp bản đồ giải thửa, xứ đồng, trong đó có tên chủ ruộng và số điện thoại liên lạc. Khi đi kiểm tra từng xứ đồng, nhìn lá lúa thửa ruộng nào bị nhiễm bệnh ông giở bản đồ giải thửa, tra số điện thoại, tên chủ ruộng và a lô liên lạc. Ông Thơ kể, nông dân mình vẫn còn nhiều người làm ruộng theo kiểu… bỏ dãi. Sạ xong mang gạo thóc, thức ăn lên rẫy chăm sóc sắn, mía, có khi nửa tháng mới đi thăm ruộng một lần. Có người sau một thời gian bỏ đồng lên núi làm ăn, khi về đám lúa đã bị sâu cắn trụi lá, mang bình, thuốc ra phun đã muộn. “Cách đây bốn năm, cũng vụ lúa đông xuân, tôi đi làm thợ xây cả tháng mới về, khi thăm ruộng phát hiện lúa chỉ cao gang tay, dù đã sạ hơn hai tháng. Năm đó gia đình tôi “mất mùa riêng”, phải chạy gạo từng bữa. Vụ lúa năm nay nhờ cán bộ nông nghiệp thăm đồng thường xuyên đã giúp  tôi yên tâm làm nghề”, ông Lê Đồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết.

 

Thống kê của Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Phú Hòa, hiện địa phương này có 5.518ha lúa hai vụ, nhưng không có thửa ruộng nào mà ông Thơ không có mặt. “Ngày nào tôi không ra thăm đồng là ngày ấy tôi ăn cơm không ngon”, ông Thơ vui vẻ nói.  

 

GIÚP NÔNG DÂN CÓ THÊM THU NHẬP

 

Ông Mai Tố Hoài ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) cho biết, có lần ông đi ăn giỗ ở huyện Tuy An, lúc nhập tiệc, có người bạn than ruộng cà dĩa năm nay bón phân không xanh không hiểu bệnh gì, ông liền rút điện thoại a lô ông Thơ nhờ… chữa bệnh. Sau khi nghe mô tả hiện tượng, ông Thơ giải thích đó là bệnh lở cổ rễ ở cà dĩa, khiến cây cà héo úa. Giải thích xong, ông Thơ gặng hỏi lại: “Mà ở Phú Hòa, cà dĩa vụ này làm gì có bệnh đó?”. Ông Hoài nói, tôi hỏi giùm một người bạn ở huyện Tuy An. “Sở dĩ ở Phú Hòa cà dĩa không mắc bệnh là do tôi đã chuyển giao kỹ thuật đến từng nông dân biết cách phòng các loại bệnh gây hại cây cà”, ông Thơ cho hay.

 

Tại cánh đồng thị trấn Phú Hòa, vụ lúa đông xuân 2009 – 2010 nông dân gieo sạ giống lúa ML 4-2, năng suất trà đầu đạt 93,6tạ/ha. Còn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Trị 2, gieo sạ hai giống lúa ML 4-2 và ML 213 năng suất 85tạ/ha… Ông Nguyễn Siêng, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Phú Hòa, cho biết để đạt năng suất cao như vậy là nhờ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đã cùng nông dân ra đồng xây dựng mô hình thâm canh lúa hai vụ chính/năm, thay vì ba vụ lúa/năm. Chính cách làm này đã tăng thêm thu nhập cho người nông dân 6 triệu đồng/ha/năm, được ngành Nông nghiệp tỉnh đánh giá cao.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek