Nghề nuôi hàu đã xuất hiện từ lâu ở các vùng biển TX Sông Cầu và huyện Tuy An, nhưng do lợi nhuận thấp hơn so với nuôi tôm nên ít được người dân chú ý đến. Việc học hỏi kinh nghiệm và phát triển đối tượng nuôi này còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Người dân chủ yếu thả hàu nuôi trên bãi tự nhiên hoặc nuôi cọc tôn xi măng.
Mô hình nuôi hàu của ông Nguyễn Hết ở xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu - Ảnh: A.NGỌC |
Ông Nguyễn Hết ở thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), cho biết: “Tôi học hỏi mô hình nuôi hàu từ một số hộ ở đầm Thị Nại (Bình Định) và bắt đầu nuôi từ năm 2000 đến nay. Nguồn giống mua từ người dân địa phương đánh bắt, nhưng số lượng không nhiều, mua bao nhiêu thả nuôi bấy nhiêu nên tháng nào cũng có hàu thu hoạch. Mặc dù thu nhập không cao nhưng nuôi hàu cho thu nhập ổn định. Hiện gia đình tôi nuôi 1,5ha hàu, tương đương 7 tấn giống”. Ông Hết cho biết thêm, mô hình nuôi hàu mà ông đang áp dụng là dùng lưới bao quanh khu vực nuôi và thả nuôi theo hai phương pháp: Ban đầu dùng tôn xi măng làm cọc để hàu giống trong tự nhiên bám vào, nếu hàu bám nhiều thì san ra cho thưa nhằm đảm bảo tốc độ sinh trưởng của con hàu. Sau khi san số lượng hàu giống từ những cọc tôn xi măng, ông Hết thả nuôi kết hợp với hàu giống mua được từ người dân địa phương theo mô hình nuôi đáy trên bãi tự nhiên. Hiện ông Hết mua hàu giống tại địa phương giá 3.000 đến 4.000 đồng/kg loại 60 con. Giá hàu thịt bán ra 25.000 đồng/kg loại bảy con, 20.000 đồng/kg loại 10 con, 15.000 đồng/kg loại 13 con.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) cho biết: Qua theo dõi và so sánh các đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn, nuôi hàu là một nghề có vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, rủi ro thấp, lợi nhuận cao nên rất phù hợp với người dân sống ở vùng nông thôn. Hiện xã Xuân Lộc có nhiều hộ nuôi tôm bị lỗ vốn chuyển sang nuôi hàu. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống và kỹ thuật nuôi, vì lâu nay bà con chỉ nuôi theo kinh nghiệm.
Vì con hàu là đối tượng nuôi chưa phát triển mạnh ở vùng biển Phú Yên, ngoại trừ ở huyện Tuy An đang triển khai mô hình nuôi thử nghiệm hàu thương phẩm trên đầm Ô Loan thuộc dự án Đa dạng hóa vật nuôi tại khu vực đầm Ô Loan với kinh phí 33 triệu đồng, giao cho hộ ông Phan Minh Lợi ở xã An Cư thực hiện trên diện tích 1.000m2, trong đó huyện Tuy An hỗ trợ 10 triệu đồng để ông Lợi mua hàu giống. Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tuy An hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt thời gian thực hiện mô hình 10 tháng. Ông Phan Minh Lợi cho biết: “Vì diện tích ao đìa nuôi của gia đình rộng nên tôi quyết định nuôi hàu kết hợp với tôm sú. Thực tế cho thấy mô hình này góp phần làm sạch môi trường ao nuôi. Hiện hàu đã ba tháng tuổi, đang phát triển tốt”.
Ông Trần Sáu, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tuy An, cho biết: “Vụ nuôi tôm vừa rồi, huyện Tuy An thả nuôi khoảng 300ha nhưng đã có 44ha bị dịch bệnh, muốn chuyển sang nuôi hàu. Nếu mô hình nuôi hàu thương phẩm của ông Phan Minh Lợi thành công sẽ triển khai trên diện rộng”.
ANH NGỌC
CÓ THỂ NUÔI GHÉP HÀU TRONG AO ĐÌA NUÔI TÔM Việc nuôi ghép hàu trong ao đìa nuôi tôm giúp làm tăng năng suất tôm nuôi do môi trường nuôi được ổn định và sạch hơn. Cách nuôi: Chọn hàu đủ tiêu chuẩn và chỉ nuôi trong khoảng 4 tháng (phụ thuộc vào chu kỳ nuôi của tôm), mức nước 1,2 – 1,4m, độ mặn từ 25 – 15%o và giảm dần từ đầu đến cuối vụ nuôi. Bố trí quạt nước, quạt đảo chiều ở giữa ao, mật độ tôm nuôi 22 – 24 con/m2. Sau khi thả tôm 10 – 15 ngày thì thả hàu giống, mật độ thả 130 – 150 con/giỏ, kích thước giỏ 30 x 40 x 10cm. Một ao nuôi khoảng 4.000m2, thả từ 80 – 85 giỏ. Treo các giỏ trên giàn dây hoặc cọc cách đáy 30 – 40cm. Các giàn nuôi được bố trí trước và sau hệ thống quạt nước khoảng 8 – 10m. (KNKNQG)