Thay vì nhiều bộ, ngành, cơ quan làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay, sắp tới, mỗi công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới sẽ chỉ do 1 tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Đồng thời, danh sách các đối tượng được chuyển đổi cũng được mở rộng thêm.
Mỗi công ty chuyển đổi chỉ do 1 tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu - Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2010, thay thế Nghị định số 95/2006/NĐ-CP.
Công ty nông lâm nghiệp cũng được chuyển đổi
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là về đối tượng chuyển đổi. Theo đó, ngoài các đối tượng đã được quy định tại Nghị định 95/2006/NĐ-CP, sẽ mở rộng đối tượng được chuyển đổi hình thức hoạt động đối với công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.
Chỉ 1 tổ chức được phân công làm chủ sở hữu đối với công ty chuyển đổi
Nghị định quy định, Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ và Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với các công ty này.
Thay vì nhiều bộ, ngành, cơ quan làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay, nghị định nêu rõ, mỗi công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.
Cụ thể, đối với các công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ hoặc 1 tổ chức chuyên trách được Chính phủ phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.
Các bộ, UBND cấp tỉnh được phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên chuyển đổi từ: Công ty nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ công ích do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước trong mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty nhà nước độc lập; công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thuộc diện cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện chuyển đổi được trước ngày 1/7/2010.
Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước không được giao thực hiện chức năng chủ sở hữu, nhất là các sở ban ngành ở địa phương (quản lý ngành, tài chính, nội vụ...) nhưng vẫn trực tiếp tham gia vào quyết định các vấn đề của công ty, Nghị định nêu rõ: Các cơ quan quản lý nhà nước không được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu thì chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
Điều kiện chuyển đổi cụ thể cho từng loại DN
Về điều kiện chuyển đổi, khác với quy định cũ, nghị định mới không quy định điều kiện về mức vốn điều lệ. Quy định này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi DN, bởi nếu theo quy định cũ, 1 số trường hợp DN, nhất là các DN ở địa phương khi không đạt quy mô vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỉ đồng thì cần phải làm thêm 1 thủ tục xin phép chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Thay vào đó, Điều 8 của nghị định mới quy định cụ thể điều kiện chuyển đổi của từng loại DN.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN khi tiến hành chuyển đổi, Nghị định quy định cụ thể, chi tiết hơn về trình tự, thủ tục chuyển đổi, nguyên tắc xử lý vốn, tài sản, tài chính và lao động khi chuyển đổi. Các quy định này cũng được sửa đổi cho phù hợp với những quy định mới về cơ chế, chính sách xử lý tài chính, lao động, đất đai và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.
Quy định chặt chẽ về tổ chức quản lý công ty sau chuyển đổi
Nghị định 95/2006/NĐ-CP chỉ quy định về chuyển đổi công ty mà không quy định về tổ chức quản lý cụ thể của công ty sau chuyển đổi; trong khi Luật Doanh nghiệp cũng quy định khá sơ sài và không cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng hoặc còn bất cập trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, để bảo đảm sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước đối với các công ty này, Nghị định đã bổ sung thêm 2 chương mới về tổ chức quản lý công ty (theo mô hình hội đồng thành viên và mô hình chủ tịch công ty) và quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên.
Về chế độ chi trả tiền lương, tiền thưởng, nghị định mới quy định rõ, hàng tháng, các thành viên chuyên trách của Hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên trách, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc (Giám đốc lĩnh vực), Kế toán trưởng được tạm ứng 70% số tiền lương tạm tính của tháng đó, số 30% còn lại chỉ được quyết toán và chi trả vào cuối năm. Trường hợp kết quả xếp loại DN và kết quả đánh giá về quản lý, điều hành hoặc kiểm soát của Hội đồng thành viên và từng thành viên Hội đồng thành viên, cũng như các đối tượng nêu trên không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì sẽ không được quyết toán 30% số tiền lương năm (đối với các đối tượng hưởng lương) và không được hưởng 30% số tiền thưởng còn lại của nhiệm kỳ.
Các đối tượng chuyển đổi gồm: 1. Công ty nhà nước độc lập. 2. Công ty nhà nước là công ty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong tổng công ty thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con (gọi chung là công ty mẹ). 3. Công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước. 4. Đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc tổng công ty nhà nước, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước. 5. Công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.
Theo chinhphu.vn