Hiện nay, ô nhiễm hữu cơ phát sinh mạnh trên các vùng nuôi tôm ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An) với hàm lượng Phosphat cao vượt ngưỡng cho phép. Nguồn ô nhiễm hữu cơ có thể từ các vùng nuôi tôm ven đầm và khu dân cư quanh đầm xả thải rác sinh hoạt.
Tại các vùng nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), nguồn nước có độ mặn thấp dưới 10%o với độ kiềm nước tương ứng dưới 80ppm và pH nước trong khoảng 7,5- 7,7; ô nhiễm với hàm lượng Phosphat tăng cao. Nguồn gây ô nhiễm chính là từ các ao nuôi tôm xả ra, bao gồm cả các ao nuôi bị bệnh. Vùng nuôi tôm hùm Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) bị ô nhiễm vi sinh nặng với mật độ Vibrio tổng số lên đến 108 x 102CFU/ml (cao gấp 11 lần ngưỡng cho phép)… Ô nhiễm môi trường đã gây bùng phát bệnh tôm với diện tích gần 300ha, tập trung nhiều ở huyện Đông Hòa (khoảng 250ha) và Tuy An (gần 50ha).
Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi nên chấp hành nghiêm các quy định về xử lý dịch bệnh, không tự ý xả thải nước và chất thải từ các ao nuôi bị bệnh ra ngoài mương khi chưa xử lý mầm bệnh, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; đồng thời người nuôi nên quản lý vệ sinh ao hồ, lồng và tôm nuôi tốt, hạn chế bệnh xảy ra lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh, người nuôi nên báo ngay cho trạm thú y gần nhất để có biện pháp phối hợp xử lý môi trường, dịch bệnh.
QUỐC ĐẠT