Ngoài nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, người dân thôn Hòa Thạnh (xã Xuân
Thả bóng cá trên biển Cù Mông - Ảnh: A.NGỌC |
Đã hẹn trước, khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đi theo anh Phạm Châu ở thôn Hòa Thạnh để tìm hiểu cách đánh bắt cá bằng bóng mò o. Chuẩn bị dụng cụ đầy đủ, chúng tôi phụ giúp anh Châu đưa 200 cái bóng ra chiếc thuyền máy có công suất 12 mã lực. Địa điểm mà chúng tôi thả bóng là cửa biển Cù Mông. Anh Châu cho biết, lượng cá trong đầm Cù Mông hiện nay đã giảm đi rất nhiều so với trước, muốn đánh bắt có hiệu quả thì phải đến khu vực cửa biển. Chiếc thuyền máy chạy vòng vèo từ thôn Hòa Thạnh qua địa bàn thôn Hòa Lợi và mất khoảng 50 phút thì đến nơi. Theo lời anh Châu, để có 200 cái bóng như thế này, ngoài việc đan bóng thì phải mất thêm khoảng ba ngày nữa mới cho ra “bộ sản phẩm hoàn hảo” để hành nghề. Mỗi cái bóng được cột hai viên đá đủ nặng để giữ bóng nằm yên dưới đáy biển. Nhưng quan trọng nhất là đặt vị trí hai viên đá này sao cho khi ta thả xuống nước bóng không bị lật, đồng thời cái toi không bị lật ngửa lên trên hoặc úp xuống đất. Mỗi cái bóng cột một sợi dây khoảng 1m và từ những sợi dây này ta tiếp tục cột vào sợi dây dài, lớn hơn (gọi là dây bóng), làm sao giữa những cái bóng cách nhau khoảng 3m. Để cho dây bóng không bị nước cuốn trôi, hai đầu và ở giữa cột những viên đá lớn, đủ nặng. Thường thì mỗi dây bóng có 20 cái, nhưng tùy điều kiện, phương tiện đánh bắt và vùng thả bóng mà người hành nghề chọn dây bóng dài hay ngắn.
Khi đến nơi, anh Châu cho thuyền chạy chậm lại và bắt đầu thả những dây bóng xuống nước theo hướng nước chảy, có độ sâu khoảng mười sải tay. Xong công việc, chúng tôi quay trở về. Trên đường về, anh Châu giải thích: Không phải tốn bất cứ loại mồi nhử nào, cứ vậy mà thả bóng xuống nước, cá tự động chui vào. Ban ngày, bóng cá nằm dưới đáy biển tạo nên bóng mát (vì vậy mà người dân đặt là bóng), vậy là cá tìm cách chui vào để nấp. Điều đặc biệt là bóng cá ở đây chỉ đan từ cây mò o mà không có loại vật liệu nào khác thay thế được, vì nan mò o khi xuống nước rất mềm nên cá rất “ưa” và chui vào. Bóng cá được phân làm sáu loại: bóng lớn, bóng lỡ, bóng chai, bóng nhỏ thưa, bóng nhỏ dày và bóng cá sơn, mỗi loại có kích cỡ khác nhau nhưng cách đánh bắt thì giống nhau. Bóng cá mà anh Châu thả là loại bóng chai. Thả loại bóng nào không quan trọng, miễn cá chui vào toi và không lọt ra ngoài thì đều bắt được cả. Thường thì bắt cá cỡ 2kg trở lại và đủ loại, kể cả cua, ghẹ… Anh Châu cho biết, thả bóng xong khoảng hai ngày thăm bóng một lần. Mỗi chuyến thăm bóng như vậy, lượng cá bắt được bán từ 500.000 - 700.000 đồng, nếu gặp cá mú thì có khi kiếm cả triệu…
Thôn Hòa Thạnh hiện có 136 hộ, hầu như nhà nào cũng làm nghề đan và đánh bắt cá bằng bóng mò o. Việc thả bóng bắt cá, người dân nơi đây không những biết mà quá rành. Tuy nhiên, công việc này cũng có những sự cố. Anh Đặng Nguyên Hạnh ở thôn Hòa Thạnh cho biết: “Một dây bóng hoàn chỉnh 20 cái, hiện giá thị trường khoảng 500.000 đồng. Thả bóng xong, đa số anh em làm nghề trở về nhà nên rất dễ bị mất bóng vì những luồng nước chảy mạnh sẽ cuốn trôi chúng ra biển hoặc bị mất cắp…”.
Ông Lê Văn Riêm, Trưởng thôn Hòa Thạnh, cho biết: “Tuy nghề đan và thả bóng thu nhập không cao lắm, nhưng nó đã tạo công ăn việc làm cho đa số người dân trong thôn. Dù có làm nghề khác đi nữa, nhưng người dân trong thôn chúng tôi cũng không bỏ cái nghề truyền thống này”.
ANH NGỌC