Thứ Ba, 21/01/2025 11:03 SA
Cho vay theo lãi suất thỏa thuận:
“Gỡ rối” cho ngân hàng
Thứ Bảy, 13/03/2010 10:00 SA

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 07/2010 cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đây là biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong thời điểm “độ vênh” của lãi suất huy động và cho vay bị thu hẹp.

 

vay-von-3.jpg

Khách hàng giao dịch tại Agribank TX Sông Cầu – Ảnh: N.Q

 

TĂNG LÃI SUẤT CHO VAY

 

Thông tư số 07/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định, tổ chức tín dụng được áp dụng lãi suất thỏa thuận với việc cho vay trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và hộ gia đình như cho vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng. Cho vay để mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, cho vay để chi phí cho hoạt động văn hóa thể thao, du lịch; cho vay theo phương thức thấu chi tài khoản cá nhân; cho vay thẻ tín dụng…

Ngay sau khi Thông tư 07 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên đã có phản ứng bằng cách tăng lãi suất các khoản vay trung và dài hạn. Khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay hiện dao động ở mức 13 – 15,5%/năm, cao hơn so với mức lãi suất trần 1% - 3,5%/năm. Các tổ chức tín dụng đều cho biết, việc cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ giảm bớt gánh nặng về nguy cơ lỗ vốn đã đối mặt trong thời gian vừa qua. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên cho biết: Trước đây, do lãi suất cho vay bị khống chế ở mức 12% nên Agribank gặp nhiều khó khăn trong cân đối vốn giữa huy động và cho vay. Nay, việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các hợp đồng tín dụng trung, dài hạn thực sự giúp tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn khi lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức 8%/năm.  

 

Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên phân tích: “Tôi nghĩ đây là động thái hợp lý trong tình hình hiện nay. Thực tế, quy định trần lãi suất huy động không vượt quá 10,5% đã bị vượt từ lâu thông qua các hình thức khuyến mãi, dự thưởng. Do đó, phải tăng lãi suất cho vay cao hơn ít nhất 3% so với lãi suất huy động thì mới có lời.  

 

Mặc dù được Ngân hàng Nhà nước thả nổi lãi suất, song một số tổ chức tín dụng vẫn dè dặt khi xét duyệt cho vay các khoản vốn trung, dài hạn, kể cả các khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân là do nguồn vốn huy động tại địa phương đạt thấp, buột các tổ chức tín dụng phải tính toán hợp lý để tăng trưởng tín dụng không nhanh hơn huy động. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV) tại Phú Yên cho biết, dù lãi suất cho vay đã được thả nổi, nhưng mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 của BIDV cũng chỉ ở mức 18%, thấp hơn nhiều so với năm 2009. Việc thẩm định các khoản vay và khả năng trả nợ cũng phải kỹ lưỡng hơn để tránh rủi ro.

 

“NÓNG” HUY ĐỘNG VỐN!

 

Một số chuyên gia cho rằng việc thả nổi lãi suất cho vay trung, dài hạn rõ ràng giúp cho các tổ chức tín dụng cân đối được các khoản chi phí và đảm bảo có lãi, song cũng có thể tạo ra tình trạng chạy đua “hút” nguồn tiền các thành phần kinh tế gửi ở các tổ chức tín dụng với nhau. Nguyên nhân là quy định của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn vì vốn huy động ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu huy động vốn. Các tổ chức tín dụng đều cho rằng, muốn phát triển tín dụng trung, dài hạn để hưởng lãi suất cao không còn cách nào khác là phải tăng huy động vốn ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, rất khó để huy động được vốn ở những kỳ dài hạn, vì lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) ở các kỳ ngắn, trung và dài hạn gần bằng nhau. Bà Huỳnh Kim Thoa, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tại Phú Yên, chia sẻ: “Việc huy động vốn gặp khó khăn. Số vốn huy động vào của Vietcombank trên địa bàn Phú Yên chỉ bằng 1/3 số vốn cho vay ra nên việc tăng trưởng tín dụng sẽ không mấy dễ dàng”. Còn ông Trần Kim Hiếu thì nhận định: Huy động vốn đã khó, quy định cho vay trung, dài hạn chỉ bằng 30% vốn huy động ngắn hạn và theo lãi suất thỏa thuận sẽ càng làm cho tình hình càng “nóng” hơn, bởi tổ chức tín dụng nào cũng muốn bổ sung nguồn vốn để phục vụ nhu cầu thị trường. Cuộc đua huy động vốn thời gian tới sẽ quyết liệt hơn.

 

Có hợp lý?

 

Hiện lãi suất cơ bản đang ở mức 8%/năm. Theo Điều 476 Bộ luật Dân sự thì “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”. Như vậy lãi suất cho vay tối đa trên thị trường ở mức 12%/năm. Nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên tỏ ra băn khoăn về tính pháp lý của cơ chế lãi suất thỏa thuận, vì chỉ với văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức một thông tư, Ngân hàng Nhà nước lại cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt hơn 150% lãi suất cơ bản. Giám đốc một doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa băn khoăn, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay trung, dài hạn sẽ giúp khơi thông dòng chảy nguồn vốn, nhưng sẽ tạo áp lực lên các doanh nghiệp vì phải trả lãi cao, làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ lạm phát.

 

NGUYỄN QUANG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek