Vụ mía năm nay nông dân huyện Sông Hinh đón nhận niềm vui khi mía vừa được mùa, vừa được giá, cộng với việc thành lập ban điều hành chương trình mía đường huyện đã tạo thuận lợi trong việc mua, đầu tư.
Thu hoạch mía ở Sông Hinh đang thiếu lao động - Ảnh: N.T |
THU NHẬP CAO
Rời Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào lập nghiệp trên vùng đất Sông Hinh, ông Đặng Quốc Dụ gắn bó với cây mía từ năm 1996, nhưng chưa có vụ mía nào có được niềm vui trọn vẹn như năm nay. Với 20 ha mía đứng hiện có, ông vừa thu hoạch 4 ha mía lưu gốc với sản lượng hơn 200 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi gần 80 triệu đồng. Nếu thu hoạch diện tích mía còn lại, với giá bán tại ruộng 730.000 đồng/tấn, ông sẽ có trong tay không dưới 400 triệu đồng. Ông Dụ phấn khởi cho biết: “Chưa lúc nào, người trồng mía bán được giá cao như hiện nay. Tôi đang tìm đất để thuê mở rộng diện tích mía và ký hợp đồng nhận đầu tư của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa trồng thêm 20 ha nữa”.
Người dân huyện miền núi Sông Hinh bắt đầu trồng mía vào những năm 1990. Những năm sau đó, diện tích mía của huyện phát triển nhanh, có thời điểm lên trên 2.500 ha. Tuy nhiên, thời gian này, cây mía trồng theo “phong trào”, thiếu đầu tư chăm sóc nên năng suất không cao, hiệu quả kinh tế kém. Những năm 2000 – 2002 ngành mía đường khủng hoảng, diện tích mía của huyện bị thu hẹp dần. Gần đây, giá mía nguyên liệu tăng lên đáng kể và có sự đầu tư tích cực từ phía Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa nên diện tích mía dần được phục hồi và phát triển đến hầu hết các xã trên địa bàn huyện Sông Hinh. Theo Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, trên địa bàn huyện Sông Hinh hiện có gần 2.250 ha mía được bà con nông dân ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu với công ty. Mặc dù vừa qua nhiều diện tích của huyện bị đổ ngã do cơn bão số 11 năm 2009 làm ảnh hưởng đến năng suất, song nhờ có sự đầu tư đúng mức nên năng suất mía trên diện tích đã thu hoạch bình quân đạt 53 tấn/ha, tăng 5 tấn/ha so vụ trước. Riêng tại khu vực Rừng Già thuộc xã Ea Bá có 200 ha mía, đã thu hoạch xong 70 ha với năng suất đến 80- 90 tấn/ha. Ông Nguyễn Ngọc Sang ở thị trấn Hai Riêng trồng 10 ha mía tại khu vực này vừa thu hoạch 4 ha với sản lượng gần 360 tấn, lãi 30 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phòng Nguyên liệu - Vận tải (Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa) cho biết: Số diện tích mía vừa thu hoạch là mía lưu gốc nên năng suất chưa cao. Nay đang vào chính vụ thu hoạch với phần lớn là mía tơ, hứa hẹn năng suất sẽ cao hơn. Hiện nay, công ty mua mía xô tại ruộng với giá 730.000 đồng/tấn, đồng thời còn được thưởng 20.000 đồng/tấn nếu mía sạch (tạp chất dưới 2%), so với niên vụ trước tăng 240.000 đồng/tấn. Với giá mía này, người trồng mía có lãi từ 30- 40% trên giá trị sản phẩm làm ra.
GẮN KẾT TRÁCH NHIỆM GIỮA NHÀ MÁY VỚI NÔNG DÂN
Những năm trước, việc ký hợp đồng đầu tư, thu mua, vận chuyển mía về nhà máy thường gây phiền hà khiến không ít nông dân nản lòng. Nào là cán bộ nguyên liệu thiếu sâu sát trong việc phát phiếu thu hoạch mía không đúng đối tượng; nhà máy vận chuyển không kịp thời để mía khô héo làm giảm sản lượng, chữ đường; lái xe nhũng nhiễu đòi tiền “boa”… Để khắc phục những tồn tại trên, bắt đầu từ vụ sản xuất mía 2009 - 2010, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chủ động phối hợp với chính quyền huyện Sông Hinh thành lập Ban chỉ đạo điều hành chương trình mía đường huyện do Phó Chủ tịch huyện Đặng Đình Toại làm trưởng ban. Các xã, thị trấn nằm trong vùng trọng điểm mía của huyện cũng thành lập tổ điều hành. Thông qua họp giao ban hàng tháng, những bất cập, tồn tại liên quan đến mía đường đều được ban điều hành mía đường của huyện và công ty giải quyết “thấu tình đạt lý” nên trong vụ mía đường này đã khắc phục được những bức xúc của người trồng mía.
Trước đây, người trồng mía muốn nhận đầu tư của nhà máy, phải đến trạm nguyên liệu hoặc văn phòng công ty để làm thủ tục đăng ký, sau đó trở về địa phương nhờ chính quyền cơ sở ký xác nhận và lại đến công ty để ký hợp đồng chính thức. Chính việc đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức mà người trồng mía không mặn mà nhận đầu tư của công ty. Mới đây, thông qua đề xuất của Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh, Công ty Mía đường Tuy Hòa đã tổ chức ký kết hợp đồng đầu tư trồng mía với bà con dân tộc thiểu số buôn Zô (xã Ea Ly) ngay tại buôn. Các thủ tục được giải quyết ngay tại chỗ và được UBND xã xác nhận. Kết quả, sau vài giờ làm việc, công ty đã hoàn tất thủ tục ký hợp đồng đầu tư với 29 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn để trồng mới 45 ha mía. Cách làm mới này chẳng những đơn giản thủ tục hành chính mà còn tạo thuận lợi cho người trồng mía ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn đầu tư trực tiếp của công ty và đang được huyện Sông Hinh nhân rộng nhiều xã khác. Ngoài ra, trong vụ này Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã nâng mức đầu tư cho nông dân trồng mía mới lên 18 triệu đồng/ha, tăng 3 triệu đồng/ha so vụ trước. Đối với diện tích mía lưu gốc lên 9 triệu đồng/ha, tăng 1 triệu đồng/ha. Với những biện pháp đó, từ đầu vụ đến nay, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã đầu tư cho nông dân mở rộng diện tích mía thêm 420 ha, nhiều nhất tại các xã Đức Bình Đông (130 ha), Đức Bình Tây (132 ha), Sơn Giang (75 ha). Ông Trần Thanh Định, Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình mía đường huyện Sông Hinh cho biết: Mía là một trong những cây trồng có hiệu quả, là đối tượng chuyển đổi cây trồng được huyện quan tâm phát triển, nên năm nay toàn huyện có khả năng trồng mới 1.000 ha. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi đang xây dựng như hồ chứa nước La Bách, hệ thống thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía Sông Hinh.
NGUYÊN TRƯỜNG