Thường lệ, những tháng đầu năm là thời điểm nhu cầu về vốn của các thành phần kinh tế để phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu các ngân hàng phải tìm mọi cách xoay xở để huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi. Thế nhưng, độ “vênh” giữa lãi suất huy động và cho vay đang dần thu hẹp, cộng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra khiến cho các ngân hàng gặp không ít khó khăn.
Khách hàng giao dịch tại SaCombank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN
TÌM CÁCH XOAY VỐN
Theo số liệu thống kê từ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên, tổng số vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 7.000 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2008. Trong đó, vốn huy động tại địa phương đạt 4.000 tỉ đồng, đáp ứng 58,9% nhu cầu. |
Cuộc chạy đua về lãi suất tiền gửi càng trở nên khốc liệt khi nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng mạnh từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Bằng mọi cách, các ngân hàng phải xoay xở để huy động được vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay. Giám đốc một ngân hàng thương mại ở Phú Yên cho biết, đang xuất hiện hiện tượng ngân hàng thỏa thuận với khách hàng đưa lãi suất huy động vượt trần cho phép 10,49%/năm, thông qua các hình thức nâng tỉ lệ khuyến mại, thậm chí chiếm tỉ trọng từ 20 - 30% so với lãi suất niêm yết.
Những hình thức cạnh tranh thu hút vốn như trên đang làm méo mó thị trường, lãi suất niêm yết không phản ánh chi phí vốn thực của các ngân hàng. Vì vậy, theo các ngân hàng, nếu không có biện pháp ngăn chặn và để kéo dài tình trạng này thì sự dịch chuyển từ các nguồn vốn trung, dài hạn sang ngắn hạn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của ngành ngân hàng. Trong đó có việc khó cân đối nguồn vốn để phát triển tín dụng trung, dài hạn. “Tỉ trọng tiền gửi ngắn hạn ngày càng cao, trong khi tiền gửi trung hạn giảm do có lo ngại áp lực về lạm phát, lãi suất huy động biến động theo chiều hướng gia tăng và tác động tới người gửi tiền”, ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên cho biết.
Mặt khác, trong kỳ gửi ngắn hạn, một số ngân hàng còn đa dạng hóa kỳ hạn tiền gửi tuần với lãi suất cao hơn nhiều so với mức không kỳ hạn. Tình trạng này dẫn đến xu hướng người gửi tiền, nhất là các doanh nghiệp bắt đầu dịch chuyển từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tiền gửi ngắn, làm ảnh hưởng tính thanh khoản của ngân hàng. Hiện có đến 70 - 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng ở Phú Yên ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Vì vậy, nếu ngân hàng nào chấp hành tốt việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn với tỉ lệ khoảng 15 - 20% thì thanh khoản sẽ đỡ. Còn nếu sử dụng “hết khung” 30% vốn ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để cho vay trung, dài hạn thì rủi ro thanh khoản sẽ lớn.
KIỂM SOÁT CHẶT TÍN DỤNG
Để đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp điều hành tiền tệ như linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng. Thực hiện giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ để tăng nguồn vốn cho vay đối với sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng khoảng 25% trong năm 2010, các ngân hàng thương mại lại cho biết, không dám mở rộng “hầu bao” để cho vay, dù “zoom” tín dụng còn lớn trong những tháng đầu năm 2010. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là chênh lệch lãi suất huy động và cho vay đang ngày càng thu hẹp. Nếu không tính toán và lựa chọn khách hàng sẽ khó cân đối chi phí và đảm bảo rủi ro. Theo quy định hiện hành, thị trường tiền tệ đang tồn tại hai khung lãi suất cho vay khác nhau. Đó là cho vay theo khung lãi suất cơ bản với trần lãi suất 12%/năm và cho vay theo lãi suất thỏa thuận với các mục đích phục vụ đời sống và mức phổ biến trên thị trường hiện khoảng 15 - 17%/năm. Theo các ngân hàng, nguồn vốn huy động sau tết đang dần được cải thiện, nhưng không phải vì thế mà đẩy mạnh việc cho vay, vì mục tiêu kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2010 chỉ ở khoảng 25%, thấp hơn so với mức thực hiện năm trước.
Trong chuyến làm việc tại Phú Yên hồi cuối tháng 1/2010, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình chỉ đạo: “Nhiệm vụ trong năm 2010 của hệ thống ngân hàng Phú Yên là chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, nông thôn thay vì đầu tư dàn trải”. Với sự chỉ đạo này, hiện các ngân hàng ở Phú Yên đều không thực hiện cho vay vốn đối với một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán và hạn chế cho vay phục vụ đời sống, mặc dù sản phẩm tín dụng cho vay phục vụ đời sống được áp dụng mức lãi suất thỏa thuận khá cao. Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên cho biết, với chủ trương tập trung vốn sản xuất kinh doanh, trong năm nay Agribank sẽ thu hẹp các khoản vốn cho vay tiêu dùng lãi suất thỏa thuận. Cố gắng phục vụ nhu cầu của các khách hàng truyền thống có quan hệ tín dụng tốt.
QUANG THUẦN