Thứ Bảy, 12/10/2024 02:27 SA
Tăng vai trò giám sát trong đầu tư, xây dựng
Thứ Tư, 03/03/2010 07:50 SA

Gần đây, nhiều quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

benh-vien.jpg

Công trình Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: H.TRUNG

 

Nhà nước chỉ quản lý các khâu đầu mối chính trong quá trình triển khai dự án như chủ trương đầu tư, địa điểm xây dựng, nhu cầu sử dụng đất, quy mô xây dựng, kế hoạch đấu thầu, phê duyệt quyết toán... Các khâu còn lại chủ đầu tư được ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ thực hiện theo các quy định hiện hành. Các chủ đầu tư được chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, trách nhiệm của chủ đầu tư về chất lượng và hiệu quả đầu tư cũng được quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư được giao tự quyết định ở nhiều khâu như phê duyệt thiết kế thi công, dự toán, phê duyệt kết quả đấu thầu, chỉ định thầu tư vấn, thi công xây dựng... cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là trách nhiệm, năng lực của chủ đầu tư khi thực hiện nhiệm vụ, vì các khâu nêu trên đều ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư của dự án.

 

Nghị định 85/2009/NĐ-CP đã thông thoáng hơn về thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhất là hình thức chỉ định thầu. Giá trị gói thầu được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn là dưới 3 tỉ đồng, mua sắm hàng hóa dưới 2 tỉ đồng, xây lắp dưới 5 tỉ đồng. Phần lớn các dự án đầu tư phát triển sử dụng nguồn vốn ngân sách của địa phương có giá trị các gói thầu nằm trong  phạm vi được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu.

 

Không thể phủ nhận hiệu quả nhanh, gọn về mặt thủ tục, thời gian của việc chọn thầu bằng hình thức chỉ định thầu, nhưng do việc lựa chọn mang tính chủ quan, không có các chỉ tiêu so sánh nên hiệu quả thực hiện công việc của các nhà thầu phụ thuộc rất nhiều vào quyết định lựa chọn ban đầu của chủ đầu tư, đặc biệt là khâu thẩm định năng lực nhà thầu. Do việc tăng nhanh về số lượng các doanh nghiệp hoạt động tư vấn, thi công xây dựng, trong khi chế độ tiền lương chưa tương xứng nên đa số các doanh nghiệp đều thiếu người đảm nhận các chức danh chuyên môn theo quy định. Hiện tượng thuê mượn bằng cấp chuyên môn, kê khai năng lực không trung thực để nhận thầu trở nên phổ biến trong khi thông tin năng lực nhà thầu chưa được quản lý chặt chẽ, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thẩm định chính xác năng lực nhà thầu.

 

Quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng nói riêng đang dần được hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các chủ thể thực hiện. Vì vậy, để tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong đầu tư xây dựng thì khâu kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, rộng khắp ở tất cả các giai đoạn thực hiện dự án. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế; trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán. Giai đoạn thực hiện đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào khâu lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát, công tác quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư và các nhà thầu; trình tự, thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Giai đoạn kết thúc đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào các thủ tục nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng; việc quản lý hồ sơ công trình, hồ sơ quyết toán.

 

 Công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện ở tất cả các cấp có thẩm quyền theo quy định, ngoài lực lượng thanh tra chuyên ngành, vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội rất quan trọng. Trên địa bàn mình quản lý, các cấp chính quyền địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xử lý những vi phạm vượt quá thẩm quyền. Các tổ chức chính trị xã hội thông qua hình thức giám sát cộng đồng để tăng cường giám sát, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư và các nhà thầu. Một yếu tố quan trọng nữa là quy trình tự kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác tự kiểm tra đối với các bộ phận chuyên môn trực thuộc, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công để chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

 

Từ đầu năm 2010, nhiều quy định mới của Chính phủ về đầu tư xây dựng bắt đầu có hiệu lực thi hành như Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 về quản lý đầu tư xây dựng công trình; Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 hướng dẫn thi hành luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Quyết định số 168/2010/QĐ-UBND ngày 1/2/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định phân cấp, ủy quyền và phân giao nhiệm vụ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do tỉnh Phú Yên quản lý.

 

Thạc sĩ HUỲNH LỮ TÂN

(Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek