Thứ Bảy, 12/10/2024 10:15 SA
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm
Thứ Sáu, 26/02/2010 11:00 SA

Nghề dệt thổ cẩm của bà con Ba Na và Chăm H’ roi ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đang được khôi phục. Tuy nhiên, để nghề truyền thống này không bị mai một, rất cần sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm.

 

KHÔI PHỤC NGHỀ TRUYỀN THỐNG

 

tho-cam.jpg

Mí Chín đang dệt một chiếc váy thổ cẩm – Ảnh: A.NGỌC

Ngày trước, hầu như gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng có khung dệt vải. Con gái khi lớn lên đều được bà, mẹ, chị trong gia đình dạy cách dệt vải. Những bộ đồ thổ cẩm truyền thống được xem là một trong những của cải hồi môn để con gái đi “bắt” chồng. Bà So Thị Chử (Mí Chín) ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho biết: Trong thôn hai dân tộc anh em cùng sinh sống là Chăm H’roi và Ba Na. Cách dệt vải giống nhau, nhưng hoa văn trên tấm vải của mỗi dân tộc thì có nét riêng. Khung dệt vải chỉ những người có tuổi nghề lâu năm mới làm được. Theo tiếng Ba Na, thanh gỗ trên là “khôn”, tiếp theo là “banh”, rồi lại đến “khôn”, thanh gỗ dưới cùng là “a ngu”. Ngoài ra còn có hai thanh dùng để bắt bông gọi là “chco”, và thanh “brức” dùng để nén chỉ chắc chắn hơn.

 

Bà La Lan Thị Minh (Mí Nhung, hơn 70 tuổi), là người có tuổi nghề nhiều nhất ở thôn Xí Thoại hiện nay, cho biết: Sản phẩm dệt thổ cẩm chủ yếu là áo nam và nữ, váy (ên), khố, dây thắt lưng nam, tấm đắp… Tùy theo mỗi loại sản phẩm và hoa văn mà thời gian dệt từ 15 ngày đến vài tháng. Muốn có những tấm thổ cẩm đẹp thì phải tốn rất nhiều công sức như trồng bông, kéo sợi… Ngoài ra còn phải biết dùng vỏ, rễ cây rừng để làm thuốc nhuộm. Muốn có màu vàng thì phải nhuộm bằng củ kơsơn, màu đen thì dùng vỏ, rễ cây chàm, màu đỏ thì dùng vỏ cây kơsan… Già làng La Văn Lung, tâm sự: “Mấy năm gần đây, mỗi năm huyện Đồng Xuân tổ chức mở từ 3 - 4 lớp, mỗi lớp khoảng 40 người đồng bào dân tộc thiểu số theo học nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Nhờ vậy mà đến nay phụ nữ thôn Xí Thoại ai cũng biết dệt thổ cẩm”.

 

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

 

Hiện nay, đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh đều làm nghề dệt thổ cẩm. Những sản phẩm làm ra chủ yếu là để sử dụng, nếu có ai đặt hàng thì họ mới dệt bán. Trước đây, dệt một bộ váy áo của nữ phải mất hơn 3 tháng, vì phải kéo sợi, nhuộm chỉ… Bây giờ ra chợ mua loại chỉ nào cũng có, màu sắc lại đa dạng nên thời gian làm ra một sản phẩm cũng được rút ngắn. Theo Mí Chín, nghề dệt thổ cẩm tốn rất nhiều công sức. Hiện nay, một bộ váy áo chỉ cần khoảng 150.000 đồng mua chỉ là đủ và thời gian dệt khoảng 2 tháng, nếu bán thì khoảng 1,5 triệu đồng. Mí Chín nói: “Với mức giá này bà con sống được với nghề truyền thống của dân tộc mình”. Còn Già làng La Văn Lung thì phần khởi: Kể từ khi nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, bà con chúng tôi tự hào vì nghề truyền thống của dân tộc mình không bị mai một. Một số hộ đã có sản phẩm bán cho khách trong và ngoài tỉnh, tuy số lượng không nhiều nhưng cũng đã có một hướng đi mới cho nghề. Tuy nhiên điều khó khăn nhất hiện nay là chưa có một tổ chức hay cá nhân nào đứng ra tổ chức sản xuất và mua gom sản phẩm để cung ứng ra thị trường.

 

Hiện mặt hàng thổ cẩm được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Một số doanh nghiệp cũng đã tổ chức thu mua để xuất đi các nước. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này chỉ mua với số lượng lớn và ổn định, mẫu mã phong phú nên chính quyền địa phương cần quy hoạch nghề dệt thổ cẩm thành làng nghề, có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật để bà con yên tâm phát triển.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek