Thứ Sáu, 24/01/2025 18:23 CH
Màu xanh cà phê trên đất Ea Bar
Thứ Năm, 28/01/2010 07:15 SA

Trở lại Ea Bar, huyện Sông Hinh - vùng đất duy nhất của Phú Yên còn sót lại cây cà phê sau những thăng trầm, khắc nghiệt của thiên nhiên và biến động kinh tế thị trường. Qua rồi mùa giông bão, hoa cà phê lại nở trắng những triền đồi và những ngôi nhà mới đang khẩn trương hoàn công kịp đón Xuân về.

 

HAI-CA-FE.100128.jpg

Thu hoạch cà phê ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh). - Ảnh: N.TRƯỞNG

 

ĐỔI THAY MỘT VÙNG ĐẤT

 

Sau những năm tháng vất vả bởi cơ chế thị trường, ở Phú Yên bóng dáng cây cà phê một thời gắn chặt với  những cái tên như Nông trường cà phê Sơn Thành, Sơn Hội, Buôn Kít không còn nữa. Nhưng cây cà phê Ea Bar ngày nào vẫn cắm rễ trên vùng đất đỏ Ba - zan màu mỡ này. Sự tồn tại và phát triển của Nông trường cà phê Ea Bar (nay là Công ty cà phê Ea Bar) như một điển hình kinh tế mới, mang tính chất hạt nhân vùng, mang phong cách sản xuất nông nghiệp của một vùng công nghiệp; đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây biết trồng cây cà phê và góp phần xây dựng Ea Bar trở thành vùng đất trù phú. Từ năm 2003, nông trường đã thanh lý xong cây cà phê vối và phát triển cây cà phê chè với 1.000ha, (trong đó nông trường 950ha). Cây cà phê chè trên đất Ea Bar cho năng suất gấp 3 lần cây cà phê vối, bình quân đạt 14 tấn nhân/ha. Với giá bình quân 3.000 USD/tấn nhân thì mỗi ha cà phê chè cho thu nhập 50 triệu đồng. Bình quân 1 gia đình công nhân của công ty canh tác 2 ha. Như vậy với 1.000ha cây cà phê chè hiện có đã tạo ra giá trị 50 tỉ đồng/năm. Bên cạnh cây cà phê, công ty còn  321ha cao su, 60ha lúa nước đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

 

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI

 

Mất khá nhiều thời gian tôi mới đến được trạm 2, trước đây là đội 6 và tìm đến nhà ông Lê Văn Trung, từng là giám đốc Nông trường cà phê Ea Bar. Dù đã 75 tuổi,  nhưng ông vẫn còn tháo vát. 25 năm trước ông đã cùng đồng đội đến đây đồng cam cộng khổ vì sự nghiệp phát triển cây cà phê của tỉnh. Ông đã từng dìu dắt nông trường vượt qua ải gian nan bằng bản lĩnh đột phá, dám làm dám chịu trách nhiệm của một thủ lĩnh. Ông tâm sự về lý do vì sao nghỉ hưu 15 năm rồi mà vẫn “trụ” lại với mảnh đất này: “Tôi là người mở đất, tôi đã gọi họ đến với vùng đất này. Trong giai đoạn khó khăn nhất, tưởng chừng không thể vượt qua tôi đã động viên họ ở lại với nông trường, cùng nhau đồng cam cộng khổ nên không thể rời xa họ khi sức khỏe chưa đến nỗi nào. Tôi yêu cây cà phê chè do chính tôi khởi xướng, vả lại ở đây môi trường yên tĩnh”. Đúng vậy, trên cương vị giám đốc ông đã từng đưa vào trồng thử nghiệm 1ha cà phê chè (Arabica) thay cho cà phê vối (Robusta) từ năm 1990. Kết quả cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Và dự án cây cà phê chè thay cho cà phê vối được triển khai với quy mô lớn. Suốt cả hai giờ đồng hồ ông cứ say sưa nói, say sưa tính toán rạch ròi về giá trị của cây cà phê chè như thể sự đam mê ăn sâu vào máu thịt; đến nỗi vợ ông phải nhắc “ sao ông quên mời khách uống nước”

 

Chia tay câu chuyện với “ông già Trung”, tôi theo con đường đất rộng vòng vo qua những triền đồi phủ kín cây cà phê đến các trạm (trước đây gọi là đội) để gặp mấy gia đình công nhân thuộc hàng làm ăn bài bản. Ông Trần Xuân Hồng, năm nay 39 tuổi nhưng đã gắn bó với nông trường tròn 20 năm. Ông Hồng là công nhân nhưng kiêm luôn hai chức Bí thư Chi bộ và Bí thư Đoàn thanh niên. Từ tự học, Hồng đã trở thành anh thợ mộc khá nổi tiếng ở đây về cái ngón đóng tủ, sa lon, chạm trổ… 2 năm qua ông như người làm thay công việc của ngành giáo dục là “hướng nghiệp cho học sinh”. Ông tổ chức dạy miễn phí nghề mộc cho các em học sinh trong nông trường vào các ngày thứ 7 và chủ nhật. Từ 3 ha cà phê chè và nghề mộc đã mang lại khoản thu nhập bình quân cho gia đình 70 triệu đồng/năm. Cũng ở trạm 2, ông Cao Văn Bính, năm nay 42 tuổi lại làm giàu từ chăn nuôi heo, ngoài cây cà phê. Ông Bính đến nông trường 1 năm sau ngày thành lập. Giờ đây, với 3 ha cây cà phê chè, đàn heo thịt xuất chuồng trên 20 con mỗi năm đã mang lại cho ông cuộc sống khá sung túc. Đồng hương với ông Trần Xuân Hồng, Cao Văn Bính là Trần Kim Giang. Ông Giang đã biết phát huy mô hình vườn, ao, chuồng hiệu quả. Vừa tập trung đầu tư 2 ha cây cà phê chè, vừa phát triển đàn heo trên 15 con, nuôi mấy ao cá…. Thu nhập không dưới 50 triệu đồng/năm.

 

Đã gần 25 năm trôi qua nhưng hàng trăm công nhân tuổi mười chín, đôi mươi tôi được gặp giờ vẫn còn ở lại nơi này. Họ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình vì cây cà phê và ngày càng làm giàu bằng chính sức lực của mình. Có lẽ trong họ “tình yêu đất lạ hóa quê hương”. Và những năm tháng đã qua đối với họ không thể nào quên, sẽ mãi tự hỏi lòng mình như lời bài hát của nhạc sĩ Xuân An viết tặng nông trường “em có hiểu vì sao cây cà phê trái ngọt mà trong hạt chứa đầy bao hương vị đắng cay”.

 

ĐOÀN PHÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek