Chủ Nhật, 13/10/2024 16:15 CH
Khai thác tài nguyên cát:
Quản lý lỏng, phạt không nghiêm
Thứ Năm, 21/01/2010 14:00 CH

Cát là vật liệu xây dựng thông thường nhưng với nhu cầu rất lớn đang tăng nhanh theo yêu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên việc quản lý, khai thác sử dụng loại khoáng sản này trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương, đồng thời còn tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

 

cat-201021.jpg

Một xe tải đang “ăn” cát tại thôn Đông Bình (Hòa An, Phú Hòa) - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

VÔ TƯ KHAI THÁC

 

Sau mùa mưa bão, nhịp điệu thi công trên các công trình xây dựng diễn ra khá khẩn trương để bù lại thời gian bị mất. Đây cũng là thời điểm nhiều người sửa chữa, xây dựng nhà đón tết. Điều đó càng làm gia tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng, mà cát là nguyên liệu không thể thiếu. Do vậy, các điểm khai thác cát tại Phú Yên trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Dọc tuyến tránh quốc lộ 1A từ Hòa An (Phú Hòa) đến Hòa Thành (Đông Hòa), nhìn xuống dòng sông Ba đang mùa nước kiệt, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe tải, xe công nông, cộ bò luồn lách nối đuôi ra vào bãi cát. Nơi này thì sử dụng phương tiện cơ giới với máy đào máy xúc, nơi kia thì dùng xẻng, cuốc thi nhau moi cát lòng sông một cách không thương tiếc. Việc khai thác cát diễn ra ngang nhiên, nhiều doi cát bị đào bới nham nhở hiện ra khắp hai bên bờ sông. Cát lấy đi nhưng không mấy ai nghĩ đến việc san gạt hoàn trả lại mặt bằng tạo thông thoáng dòng chảy sông Ba. Tại thôn Đông Bình (Hòa An), cát, sạn khai thác từ sông đưa vào đổ thành từng đống lớn dọc đường; việc mua bán diễn ra công khai.

 

Anh N.V.N. ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành là một trong những người thường xuyên chở cát cho người dân trong làng xây dựng nhà ở. Với chiếc cộ bò và chiếc xẻng, anh tự nhiên ra bờ sông Ba cạnh cầu Đà Rằng mới để đào xúc cát, chở về cho người có nhu cầu. Anh sẵn sàng nhận chở cát “phục vụ” mọi yêu cầu của bà con địa phương, từ việc nâng cao sân vườn, nhà đến xây dựng nhà cửa, công trình phụ. Tùy mục đích sử dụng mà anh “cung cấp” mỗi loại cát khác nhau. Cát làm nền nhà thì loại nào cũng được, lấy ở gần làng. Nhưng cát dùng làm vữa tô trát tường yêu cầu phải sạch, thì chịu khó đi xa đến gần mép nước sông. Vào cao điểm của mùa xây dựng, anh N vận chuyển từ 5-7 chuyến/ngày; mỗi chuyến thu 25.000-30.000 đồng. Anh N thật thà bảo: Cát sông là của “trời” mà, mình chỉ lấy tiền công vận chuyển thôi!

 

Theo người dân địa phương, một ngôi nhà xây dựng mới cần từ mười đến vài chục khối cát. Trong xã Hòa Thành mỗi năm có chừng 50 hộ xây dựng hoặc sửa chữa lại nhà cửa thì dòng sông Ba “cung cấp miễn phí” khoảng 1.000 m3 cát. Thử làm một con tính đơn giản, dọc đôi bờ hạ lưu sông Ba thuộc địa phận Phú Yên có gần 30 xã thì mỗi năm sông Ba “phục vụ” không dưới 30.000 m3 cát cho nhân dân xây dựng nhà cửa. Ông Bùi Văn Thanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên nói: Theo Luật Khoáng sản năm 2006, thì việc khai thác cát dù bất cứ hình thức nào, nhiều hay ít mà không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp đều bị coi là hành vi vi phạm. Ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép nói chung trước hết thuộc về trách nhiệm của chính quyền sở tại. Nhưng hầu như các xã đều làm ngơ trước việc khai thác tài nguyên cát của người dân địa phương.

 

Tuy nhiên, lượng cát do người dân khai thác để xây dựng nhà cửa không thấm vào đâu so với lượng cát được các nhà thầu đưa vào công trình xây dựng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm qua, có hơn 424.000 m3 cát được lấy lên từ các lòng sông trong tỉnh đưa vào các công trình xây dựng do cấp tỉnh và huyện làm chủ đầu tư. Còn lượng cát đổ vào hàng trăm công trình do cấp xã, phường làm chủ đầu tư cũng lên đến cả trăm ngàn mét khối.

 

THẤT THOÁT NGUỒN THU

 

Trên địa bàn Phú Yên hiện có 40 giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong số 32 giấy phép do UBND tỉnh Phú Yên cấp, có 3 giấy phép về khai thác cát lòng sông; trong đó có giấy phép khai thác cát đến 5.000 m3/tháng. Theo quy định của pháp luật, để được khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp phải ký hợp đồng thuê đất, thiết kế mỏ, ký quỹ phục hồi môi trường và bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ. Nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định trên. Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng tại khu vực cầu Đà Rằng thuộc xã Hòa An (Phú Hòa) từ tháng 7/2007 với công suất 54.000 m3/năm, nhưng tháng 5/2009, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện doanh nghiệp này chưa có thiết kế mỏ được phê duyệt cũng như chưa ký quỹ phục hồi môi trường.

 

Qua kiểm tra của ngành chức năng, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, có nhiều công trình xây dựng có khai thác khoáng sản đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; hoặc có thu cũng thấp hơn nhiều so với khối lượng thực tế vì để cho nhà thầu tự kê khai mà thiếu “hậu kiểm”. Điều đó gây thất thu không nhỏ cho ngân sách địa phương.

 

Ông Bùi Văn Thanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thất thoát nguồn thu của hoạt động khoáng sản còn có sự “góp phần” của chính quyền cơ sở, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép. Được UBND xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) hợp đồng cải tạo đất trồng hoa màu ven sông Ba, ông Nguyễn Hữu Luật lợi dụng việc này, dùng máy ủi, máy đào khai thác cát bán cho các tổ chức, cá nhân để thu lợi. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì ông Luật đã bán hơn 3.000 m3. Công ty TNHH Thuận Đức III (Bình Định) có cơ sở sản xuất đúc ống cống tại xã An Dân (Tuy An) đã khai thác cát ngay tại địa phương trong một thời gian dài, đến khi phát hiện thì doanh nghiệp này còn “dự trữ” 180 m3. Sai phạm của Công ty TNHH Thuận Đức III có sự “đồng thuận” của chính quyền xã An Dân, khi chấp nhận sự “đóng góp” của doanh nghiệp này trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương.

 

HUYỆN, XÃ THI NHAU CẤP PHÉP

 

Theo Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2005, chỉ có 2 cấp là Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp phép trong hoạt động khoáng sản. Và chỉ những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lĩnh vực khoáng sản mới được cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Luật là vậy, nhưng vì lợi ích cục bộ địa phương, không ít cấp chính quyền đặt ra “lệ”, tự ý cho các cá nhân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

 

Lấy lý do “khai thông dòng chảy” sông Ba tại thôn Đông Bình, đầu năm 2008, UBND xã Hòa An (Phú Hòa) tổ chức đấu thầu khai thác cát trong thời hạn một năm (từ ngày 1/1/2008 đến ngày 31/12/2008); ông Lê Văn Được ở thôn Đông Bình đã trúng thầu với số tiền là 157,66 triệu đồng. Ngày 1/1/2009, UBND xã Hòa An lại tiếp tục ký hợp đồng với ông Đoàn Văn Bình khai thác cát tại địa điểm trên với số tiền 330,3 triệu đồng. Đến tháng 4/2009, việc làm sai trái của UBND xã Hòa An mới bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý...

 

Việc chính quyền các cấp tự ký hợp đồng hoặc thỏa thuận cho các doanh nghiệp, cá nhân khai thác khoáng sản là làm trái Khoản 1 Điều 56 của Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2005 quy định về “Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản…”.  

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 (Còn nữa) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek