Thứ Hai, 14/10/2024 14:23 CH
Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển kinh tế hợp tác xã ở Phú Yên
Thứ Năm, 31/12/2009 11:00 SA

Sau ngày chiến tranh kết thúc, người dân Phú Yên bắt đầu xây dựng cuộc sống hòa bình trên hoang tàn đổ nát. Hơn 3/4 diện tích trong tình trạng bom đạn và chất độc hóa học tàn phá. Thế nhưng với sức mạnh thần kỳ, nhân dân Phú Yên đã khắc phục xong hậu quả chiến tranh, vượt qua nguy cơ đói kém.

 

 

may-htx-091231.jpg

Nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) đầu tư cơ giới hóa nông cụ- Ảnh: XUÂN HUY

 

Ngày 1/8/1977, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Khánh đã ra chỉ thị số 27-CT/TU với nội dung: “Tiến hành đợt một thí điểm cuộc vận động cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lấy xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa làm nơi thí điểm”. Chỉ trong 2 năm (1977 – 1979), tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành mục tiêu với việc xây dựng 135 hợp tác xã và 32 tập đoàn sản xuất nông nghệp và 163 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, vận tải, nghề cá.

 

Trải qua 30 năm thăng trầm, nhiều hợp tác xã tồn tại, đổi mới và phát triển và cũng có nhiều hợp tác xã giải thể, phá sản. Và trong 30 năm ấy, hợp tác xã, tổ hợp tác đã trải qua các giai đoạn như sau:

 

+ Giai đoạn đầu (1977 – 1981): là giai đoạn của thời kỳ cải tạo quan hệ sản xuất gắn với xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác. Giai đoạn này có hai đặc điểm quan trọng là xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất và hợp tác xã được tổ chức theo kiểu quan hệ công xã, người nông dân làm công ăn lương ngay trên mảnh đất của mình. Giai đoạn này có mặt tích cực nhờ ruộng đất được tập trung nên việc xây dựng hệ thống thủy lợi, cải tạo độ phì của đất và phòng trừ sâu bệnh được thực hiện tốt hơn, dẫn đến năng suất tăng liên tục, đến đỉnh cao 7- 8 tấn lúa/1ha/vụ. Nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo và có trình độ chuyên môn cao.

 

+ Giai đoạn 1981 – 1988: Trong giai đoạn này bắt đầu xuất hiện dấu hiệu trì trệ, tiêu cực trong quản lý, hiện tượng “xé rào” diễn ra phổ biến. Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư TW cho phép thực hiện chế độ khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đã tạo ra động lực mới làm cho người nông dân và xã viên hăng hái tham gia sản xuất. Tiếp đó, Chính phủ ban hành nghị định 64/CP giao quyền sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới.

 

+ Giai đoạn từ năm 1991 đến nay: Các hợp tác xã chuyển hướng từ hoạt động nông nghiệp thuần túy sang các hoạt động kinh doanh tổng hợp. Qua sàng lọc của kinh tế thị trường, nhiều hợp tác xã Nông nghiệp mới ra đời , tổ chức đa dạng theo các mô hình khác nhau như: nông – công – thương –tín, dịch vụ kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp…

 

Qua thực tiễn hơn 30 năm tồn tại, phát triển, bài học thành công của chặng đường này được thể hiện chủ yếu:

 

+ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đường lối xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa coi thành phần kinh tế hợp tác là bộ phận cấu thành nền tảng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, các cấp bộ Đảng coi việc xây dựng, củng cố hợp tác xã vững mạnh là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng. Từ đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị trong chăm lo củng cố, phát triển hợp tác xã.

 

+ Cán bộ là khâu quyết định thành bại của hợp tác xã nên cần có một trường chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã.

 

+ Phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, cùng có lợi, không áp đặt, không làm theo kiểu phong trào. Thực tiễn 30 năm qua cho thấy chỉ có những nơi cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội mới có nhiều cơ hội thành công. Tăng cường hỗ trợ, đầu tư hạ tầng nông thôn chính là tạo môi trường để kinh tế xã hội nông thôn và kinh tế hợp tác xã phát triển.

 

Cuối cùng, điều quan trọng hơn hết là để nghị quyết Trung ương đi vào cuộc sống, kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu tổ chức bộ máy tương thích với Nghị quyết của Đảng để làm nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và chính phủ xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra đôn đốc công cuộc xây dựng củng cố hợp tác xã, tổ hợp tác tốt hơn.

 

TS NGUYỄN THÀNH QUANG

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek