Thương mại điện tử là việc sản xuất, tiếp thị, bán và phân phối sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử. Do đó, một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp là mức độ triển khai ứng dụng các phương tiện điện tử nói chung trong quy trình kinh doanh. Mức độ triển khai cụ thể trong ba bước chính của quy trình kinh doanh là đặt hàng, thanh toán và giao hàng.
Đài 108 Bưu điện Phú Yên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động - Ảnh: MINH NGUYỆT
Trong năm qua, các phương tiện điện tử đã được doanh nghiệp ứng dụng nhiều hơn trong việc nhận đơn đặt hàng. Tỉ lệ ứng dụng điện thoại, fax và email đều cao hơn so với năm trước. Đặc biệt, tỉ lệ ứng dụng thư điện tử tăng đều trong ba năm từ 2006 đến 2008. Mặc dù vậy, tỉ lệ chấp nhận đơn đặt hàng qua website giảm. Lý do chính là tỉ lệ các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, cơ khí, xây dựng, hóa chất năm nay cao hơn các năm trước. Sản phẩm thường được phân phối trực tiếp qua các đơn đặt hàng truyền thống. Nhu cầu tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm của người sử dụng internet rất cao, lượng truy cập vào các trang web mua bán và giới thiệu sản phẩm cũng tăng khá nhanh. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng vẫn chỉ sử dụng website như công cụ tham khảo và so sánh giá, chưa hăng hái mua hàng trực tuyến. Điều này phản ánh việc người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào việc mua hàng trực tuyến tại Việt
Thương mại điện tử không thể phát triển toàn diện và đem lại hiệu quả cao nếu không có thanh toán điện tử. Do đó, hình thức thanh toán mà doanh nghiệp áp dụng là một tiêu chí quan trọng trong điều tra. Từ năm 2007 đến nay, hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử ra đời và phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân của sự sụt giảm liên tiếp qua các năm trong việc áp dụng hình thức thanh toán bằng chuyển tiền qua bưu điện. Thay vào đó, hình thức chuyển khoản qua ngân hàng ngày càng phổ biến. Mặc dù vậy, tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn cao, tỉ lệ thanh toán trực tuyến thấp. Giao hàng là khâu cuối cùng song cũng không kém phần quan trọng trong quy trình kinh doanh, đặc biệt đối với giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với khách hàng. Dịch vụ giao nhận của các doanh nghiệp vẫn tập trung vào tự tổ chức hoặc người mua đến nhận hàng.
Website là một kênh thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng và với các doanh nghiệp khác. Mặt khác, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, việc thành lập website trở thành một yêu cầu thiết yếu đối với doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định tên tuổi và mở ra các cơ hội kinh doanh mới. Các mặt hàng được giới thiệu trên website của doanh nghiệp khá đa dạng và phong phú, cho thấy doanh nghiệp ở mọi ngành nghề đã biết tận dụng website như một kênh để quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, tỉ lệ website giới thiệu sản phẩm thiết bị điện tử viễn thông tăng đáng kể so với các năm trước. Điều này phản ánh thực tế là đối với mặt hàng đồ điện tử, người tiêu dùng đã quen dần với việc lựa chọn mặt hàng và cửa hàng trực tuyến, nếu thiếu website sẽ là bất lợi rất lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Tần suất cập nhật website của doanh nghiệp có tiến bộ rõ rệt so với các năm trước. Số doanh nghiệp cập nhật website hàng tuần tăng đáng kể. Điều này cho thấy website ngày càng khẳng định vai trò như một kênh giao tiếp và tương tác thường xuyên của doanh nghiệp đối với khách hàng. Phần lớn các doanh nghiệp có tần suất cập nhật website cao là các doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử. Nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm và muốn triển khai thương mại điện tử có hiệu quả, cần phải bố trí cán bộ chuyên trách cho vị trí này.
NGUYỄN THỊ KIM BÍCH
(Sở Công thương Phú Yên)