Thứ Tư, 02/10/2024 15:29 CH
Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập vào EU:
Doanh nghiệp và ngư dân đều lo
Thứ Ba, 15/12/2009 07:20 SA

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến thời điểm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu phải tuân thủ theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về ngăn chặn, xóa bỏ các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, tuân theo quy định IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing, gọi tắt là IUU). Cả doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và ngư dân Phú Yên đều “kêu” khó thực hiện, chưa biết xoay xở thế nào.

 

dong-lanh1.091215.jpg

Từ ngày 1/1/2010, sản phẩm chế biến hải sản phải ghi rõ nguồn gốc khai thác. Trong ảnh: Chế biến hải sản ở Khu công nghiệp An Phú (TP Tuy Hòa)  - Ảnh: N.LƯU

 

DOANH NGHIỆP ĐANG LO

 

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp code xuất khẩu vào thị trường EU với hơn 300 doanh nghiệp. Phú Yên hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU. Từ ngày 1/1/2010, EU áp dụng quy định mới, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường này phải công bố đầy đủ các thông tin về xuất xứ nguồn nguyên liệu đánh bắt. Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vinh Sâm nói: “Các doanh nghiệp chế biến thủy sản rất đồng tình, ủng hộ quy định này, vì đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm ở quy mô quốc tế. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu của IUU đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chung của nhà nước và phải được thống nhất triển khai từ trung ương đến địa phương,  các doanh nghiệp không thể tự thực hiện được. Doanh nghiệp không lo vấn đề thủ tục mà lo không kịp thời gian triển khai vì thời điểm áp dụng luật đã cận kề”.

 

Theo ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải, việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đánh bắt sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, vì hiện nay có 60% - 70% doanh nghiệp xuất hàng sang EU sử dụng nguyên liệu đánh bắt. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào đã thực hiện tốt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cũng như những quy định khi đánh bắt cá thì việc áp dụng quy định IUU sắp tới sẽ không bị cản trở lớn. Song có một thực tế là, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đều mua nguyên liệu thông qua các chủ vựa, thương lái tại các cảng cá, trong khi các chủ vựa, thương lái này lại thu gom thủy sản từ hàng chục tàu, thuyền nhỏ nên việc xin giấy chứng nhận khai thác sẽ rất khó khăn. Một số tàu hoạt động ngoài khơi còn bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ chứ không cần về bến. Thêm vào đó, một phần do nghề cá Phú Yên quy mô nhỏ, khó quản lý giám sát, nhà nước lại chưa có quy định nghiêm ngặt về mùa vụ khai thác, ngư trường đánh bắt theo mùa... Lực lượng quản lý quá mỏng, trong khi doanh nghiệp chủ yếu mua thủy sản qua hệ thống trung gian nên việc ghi chép nguồn gốc xuất xứ đầy đủ cho các lô hàng khi xuất đi là điều rất khó thực hiện được. Vì vậy, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Phú Yên khi bắt buộc phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đánh bắt theo quy định của EU.

 

NGƯ DÂN GẶP KHÓ

 

Ông Trần Ngọc Cường, chủ tàu PY90315 TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho hay: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa hề biết gì về quy định của EU, cũng chưa được tập huấn, phổ biến hay hướng dẫn các thủ tục phải thực hiện khai báo nguồn gốc thủy sản khai thác như thế nào. Do vậy, ngư dân sẽ gặp khó khăn khi bán nguyên liệu mà không biết cung cấp rõ nguồn gốc vì không ai dám mua”.

 

CA-ngu.091215.jpg
Từ ngày 1/1/2010, sản phẩm cá ngừ đại dương phải khai báo nguồn gốc khai thác - Ảnh: N.LƯU

 

Cũng theo ông Trần Ngọc Cường, lâu nay ngư dân khai thác thủy sản không ghi lại nhật ký lịch trình khai thác. Nhiều thuyền trưởng còn không biết chữ thì làm sao mô tả được sản phẩm hải sản khai thác như loài, mã sản phẩm, khu vực đánh bắt, ngày đánh bắt, khối lượng ước tính…! Ngoài ra, họ còn có thói quen giữ bí mật thông tin trong khai thác giữa các tàu thuyền và khu vực khai thác nên rất khó khai báo công khai và chính xác nguồn gốc thủy sản theo quy định.

 

Thực tế cho thấy, quy mô sản xuất của nghề cá Phú Yên còn nhỏ, hoạt động rải rác, manh mún; có hơn 50% trong tổng số 7.228 chiếc tàu thuyền có công suất nhỏ khai thác ven bờ và nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Các phương tiện hỗ trợ định vị ngư trường, ghi chép nguồn gốc khai thác thủy sản trên tàu còn hạn chế, đa số tàu chưa có hầm bảo ôn để bảo quản cá đảm bảo chất lượng... Điều này làm cho ngư dân hoặc thiếu nhiệt tình khai báo hoặc khó xác định đầy đủ các thông tin để thực hiện ghi chép đầy đủ nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo quy định. Theo ngư dân Trần Quân, chủ tàu PY90252TS ở phường 6, hải sản không có nguồn gốc xuất xứ thì doanh nghiệp sẽ hạn chế xuất khẩu sang EU mà chỉ xuất khẩu sang các thị trường Châu Phi, Châu Á với giá cả thấp hơn, dẫn đến giá mua nguyên liệu thấp làm ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Do vậy, bà con đang rất cần tiếp cận thông tin quản lý tàu cá, cần sự trợ giúp của nhà nước về phương tiện khai thác tàu cá, bảo quản hải sản, cần được tập huấn, cung cấp các quy định, thủ tục thực hiện việc chứng nhận khai thác thủy sản…

 

Quy định 1005/2008 (QĐ 1005) chỉ rõ EU cấm nhập khẩu các sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Mỗi lô được nhập khẩu từ nước thứ 3 nếu có bản cam kết của nhà máy chế biến kèm giấy chứng nhận khai thác theo đúng các nội dung quy định tại phụ lục 4, phụ lục 2 của QĐ 1005 và đều được chứng thực độ chính xác của thông tin bởi cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác và chế biến xuất khẩu. Ít nhất có 12 thông tin cần phải khai báo, được kiểm soát trong giấy chứng nhận khai thác được cấp cho mỗi lô hàng đánh bắt: tên tàu, số đăng ký của tàu, giấy phép khai thác, mô tả sản phẩm hải sản khai thác được (loài, mã sản phẩm, khu vực đánh bắt, ngày đánh bắt, khối lượng ước tính), tên chủ tàu, tên nhà xuất khẩu... Tương tự, bản cam kết của nhà máy chế biến phải bao gồm: số của giấy chứng nhận khai thác, tên tàu khai thác, mô tả việc đánh bắt, tổng khối lượng cập bờ, tổng khối lượng đã chế biến, tên và địa chỉ nhà máy - nhà xuất khẩu, mã số xuất khẩu của nhà máy, số và ngày cấp của chứng thư vệ sinh (health certificate).

 

NGUYÊN LƯU

 

Triển khai quy chế chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường EU

 

Ngày 14/12, tại tỉnh Phú Yên, Cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức hội nghị triển khai quy chế chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác để xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) đến cán bộ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ban quản lý các cảng cá, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ngư dân 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.

 

Tại hội nghị này, đại diện Cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phổ biến quy định số 1005/2008 của Hội đồng châu Âu (EC) về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn ngừa, xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2010; đồng thời triển khai quán triệt thực hiện Thông tư số 63/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn về ban hành quy chế chứng nhận thủy sản, xác nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã hướng dẫn các trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ khai thác.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek