Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng ngoại tệ, chủ yếu là đồng đô la Mỹ (USD) tăng mạnh. Trong khi, doanh nghiệp cần vốn không thể mua được USD từ các ngân hàng, ngược lại ngân hàng cũng không mua được USD từ các doanh nghiệp có nguồn USD. Tình trạng này “góp phần” đẩy giá đồng USD trên thị trường tự do lên cao.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.QUANG |
Theo các doanh nghiệp, tình trạng khó mua USD từ các ngân hàng diễn ra từ nhiều tháng nay và thời điểm cuối năm càng trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân vì nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện máy móc, thanh toán đơn hàng tăng mạnh. Đại diện Doanh nghiệp Thiên Tân (TP Tuy Hòa) cho biết, hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn vì nhu cầu sử dụng USD để nhập nguyên liệu tăng mạnh, trong khi nguồn ngoại tệ các ngân hàng cung cấp theo giá niêm yết rất hạn chế. Có thời điểm buộc doanh nghiệp phải mua USD bên ngoài với tỉ giá cao hơn giá ngân hàng từ 1.000 - 1.300 đồng/USD. Nếu tình hình không được cải thiện thì mặt bằng giá cả sẽ tăng vì giá đầu vào tăng mạnh do chênh lệch tỉ giá USD.
Công ty TNHH Thuận Châu (TX Sông Cầu) nhiều tháng nay luôn trong tình trạng thiếu USD để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất vì ngân hàng hạn chế bán ra. Ông Nguyễn Hữu Châu, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Châu nhận xét, một khi nhà nước chưa có chính sách phù hợp để tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ còn “mệt mỏi” dài dài. Riêng với Thuận Châu, để đối phó với việc không mua được USD, doanh nghiệp phải hạn chế nhập nguyên liệu trong thời điểm này, giảm lượng hàng tồn kho và chuyển sang tìm các đầu mối nguyên liệu nội địa để giảm bớt rủi ro và giữ được giá thành sản phẩm.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở Phú Yên hiện không quá lo ngại về nguồn USD vì các doanh nghiệp này có thể cân đối được nhu cầu ngoại tệ của mình, lấy xuất khẩu bù nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu đang chịu thiệt vì phải mua USD với giá cao dẫn đến nhập khẩu nguyên liệu giá cao, trong khi đó xuất khẩu vẫn phải tuân theo tỉ giá của Ngân hàng nhà nước, khiến khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nguyễn Hữu Châu tính toán: Nếu tính trung bình, mỗi USD mua vào, doanh nghiệp phải bù 1.300 đồng, khi xuất khẩu 1 triệu USD với tỉ giá ngân hàng niêm yết thì doanh nghiệp phải chịu chênh lệch hơn 1 tỉ đồng!
Cho dù các ngân hàng trên địa bàn Phú Yên niêm yết giá USD “kịch trần” trong khung “cộng trừ 5%”, mặc dù vậy, giá USD của các ngân hàng vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường tự do. Bên cạnh đó, giá mua USD cũng được niêm yết bằng giá bán, chứng tỏ ngân hàng cũng đang rất “khát” nguồn USD. Một giám đốc ngân hàng thương mại tại Phú Yên cho biết, để thu hút nguồn vốn, ngân hàng tăng giá mua và tăng lãi suất USD, thế nhưng tình hình vẫn không cải thiện được. Hiện ngân hàng không đủ nguồn USD để cung cấp cho thị trường.
Theo chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại Phú Yên, thị trường ngoại tệ thời gian tới sẽ bớt căng thẳng khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 17.961 USD/VND, cộng với việc thu hẹp biên độ tỉ giá USD còn +/- 3% thay cho +/- 5% như trước đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không tỏ ra lạc quan trước thông tin điều chỉnh tỉ giá và biên độ USD và cho rằng thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục căng thẳng vì độ “vênh” giá USD giữa ngân hàng và thị trường tự do vẫn còn khá lớn, cộng với tâm lý găm giữ USD của doanh nghiệp với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục lên cao càng tạo thêm tâm lý khan hiếm USD ảo và đẩy giá lên cao.
NGUYỄN QUANG