Sau ba năm thực hiện, chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai, môi trường (SEMLA) hợp phần Phú Yên đã khẳng định được hiệu quả. Vấn đề đặt ra là làm thế nào nhân rộng những mô hình này để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tài nguyên - Môi trường.
Nhân dân xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) tham gia góp ý xây dựng quy hoạch sử dụng đất chi tiết – Ảnh: N.T |
HIỆU QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Tại Phú Yên, chương trình SEMLA đã thể hiện ở những lĩnh vực như rà soát, chỉnh sửa bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật địa phương đã ban hành, đồng thời xây dựng quy hoạch, chiến lược để phát triển ngành Tài nguyên- Môi trường trong giai đoạn tiếp theo như đánh giá kết quả thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2010, xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2015, định hướng đến năm 2025; Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và chiến lược truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân để đáp ứng được yêu cầu về quản lý tài nguyên và môi trường; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 14 xã tại huyện Tây Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Với sự hỗ trợ của chương trình, cơ sở dữ liệu về đất đai và môi trường được cập nhật, bổ sung, hệ thống hóa, quản lý bằng phần mềm chuẩn quốc gia để đáp ứng nhanh và hiệu quả hơn trong quá trình thụ lý hồ sơ, công khai hóa thông tin về quy trình, tiến độ giải quyết nhằm thực hiện mục tiêu cải cách bộ phận “một cửa” và thủ tục hành chính ở các cơ quan quản lý nhà nước.
Chương trình còn đóng góp cho hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên các vùng đất ngập nước ven biển và vùng biển ven bờ như cá, giáp xác, thân mềm, sinh vật phù du, rong biển, cỏ biển, san hô, chất lượng môi trường nước… góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học vùng nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới của ngành Tài nguyên- Môi trường trong tương lai như quản lý vùng cửa sông ven biển, vùng biển, hải đảo; thực thi Luật Đa dạng sinh học trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong việc thực thi Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động 37 của Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước .
Được sự hỗ trợ của chương trình SEMLA, Phú Yên triển khai thực hiện hai mô hình mới về quản lý đất đai và môi trường ở cấp cơ sở. Mô hình xây dựng hương ước bảo vệ môi trường xã An Chấn, huyện Tuy An lần đầu tiên thực hiện tại tỉnh Phú Yên do chính người dân, chính quyền địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai mô hình, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện đồng thời như: hỗ trợ xây dựng 80 nhà xí hợp vệ sinh cho 80 hộ nghèo; hỗ trợ kinh phí và phương tiện để duy trì, phát triển động hoạt thu gom, vận chuyển rác thải. Lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết ở các xã Xuân Phương (Sông Cầu), An Hải (Tuy An) có lồng ghép với yêu cầu bảo vệ môi trường cũng như thích ứng với sự biến đổi khí hậu cũng là những mô hình thí điểm đầu tiên tại tỉnh. Điểm nổi bật của những mô hình này là xem xét một cách nghiêm túc những tác động đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng cũng như tránh những tác động có hại do sự biến đổi khí hậu xảy ra trong quá trình lập phương án sử dụng đất nhằm lựa chọn phương án sử dụng đất tối ưu.
CẦN NGUỒN LỰC ĐỂ NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH
Qua kết quả chương trình SEMLA có thể thấy, 14/18 nội dung của kế hoạch 5 năm (2006-2010) của ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên có sự hỗ trợ thiết thực, trong đó đáng chú ý có mô hình tiên tiến được xây dựng. Ông Phạm Văn Chiêu, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tây Hòa cho biết: Với sự giúp đỡ của cchương trình SEMLA, trên địa bàn huyện có 6 xã cập nhật chỉnh lý biến động đất đai, chuyển hệ tọa độ HN 72 sang VN 2000; 100% cán bộ, công viên chức của phòng, các xã biết sử dụng vi tính, trong đó có hơn 30% sử dụng thành thạo phần mềm Villis tự số hóa bản đồ sau khi quét, chuyển hệ tọa đọa theo tiêu chuẩn quốc gia và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai thuộc tính về đất đai. Nhờ đó việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện gần đây được đẩy nhanh. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Vy, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng: Về lĩnh vực môi trường, chương trình SEMLA thực hiện 13 dự án, trong đó có nhiều dự án mới dừng lại ở bước điều tra cơ sở dữ liệu, rất cần nguồn kinh phí để thực hiện bước tiếp theo. Nhà nước cần sớm cụ thể hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ để vận động các thành phần kinh tế tham gia vào các dịch vụ bảo vệ môi trường.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên Nguyễn Kim Phúc, để phát huy thành quả của chương trình SEMLA, Sở Tài nguyên- Môi trường sẽ tổ chức công khai hóa các kết quả, mô hình thí điểm trên website của sở, chia sẻ thông tin tại các trung tâm Cơ sở dữ liệu của UBND tỉnh, Trung tâm Công nghệ thông tin - Sở Tài nguyên- Môi trường Phú Yên. Mặt khác, kiến nghị Bộ Tài nguyên- Môi trường nghiên cứu, chọn lọc những mô hình thành công để xây dựng, ban hành quy trình chuẩn áp dụng cho các địa phương trong cả nước. Đồng thời tăng cường sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các sở Tài nguyên- Môi trường các tỉnh trong và ngoài chương trình SEMLA; đồng thời tìm nguồn kinh phí để thực hiện các đề tài đã được điều tra, nhất là những đề tài bức xúc liên quan đến lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Song song với việc chia sẻ kinh nghiệm, Sở Tài nguyên- Môi trường cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương kế thừa, phát huy kết quả của chương trình SEMLA trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường như chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí để lập quy hoạch sử dụng đất lồng ghép và xây dựng hương ước bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác với các tỉnh khu vực trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường khu vực ranh giới tỉnh, công tác bảo vệ môi trường, cân bằng nước các lưu vực sông liên tỉnh. Bên cạnh đó, cần chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và hợp tác đối tác về lĩnh vực đất đai, môi trường; lĩnh vực biến đổi khí hậu; quản lý biển, hải đảo; đa dạng sinh học và xây dựng chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, phát triển bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
MAI ANH