Thứ Hai, 30/09/2024 06:28 SA
Còn nhiều bất cập trong đền bù, tái định cư
Thứ Bảy, 01/07/2006 08:36 SA

Đã có không ít công trình xây dựng chậm tiến độ thi công do khâu giải phóng mặt bằng. Điều đó xuất phát từ việc đền bù, tái định cư chưa đồng bộ, chưa kịp thời và còn nhiều sai sót.

 

NHỮNG TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC ĐỀN BÙ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

 

Dự án nâng cấp hồ chứa nước Hòn Dinh (Đông Hoà) do Ban quản lý dự án thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT) làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu từ giữa tháng 1-2006 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thi công. Nguyên cớ không gì khác là chưa giải phóng xong mặt bằng. Ở dự án này, mọi thủ tục kiểm kê xác nhận thiệt hại, giá cả bồi thường do Hội đồng đền bù hỗ trợ tái định cư huyên Đông Hoà thực hiện đều được người dân đồng tình và đã được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí gần 150 triệu đồng, nhưng vì đang chờ chi trả nên công trình đành phải nằm chờ theo.

 

060701-vuong-nha.jpg
Đường Độc Lập - Long Thủy đi vào ngõ cụt vì vướng khu dân cư chưa được giải tỏa - Ảnh: NGUYỄN TRƯỞNG

 

Đây không phải là trường hợp cá biệt do “vướng” mặt bằng mà chưa thể khởi công đúng kế hoạch. Điều đáng nói hơn ở không ít dự án khác, công trình đang thi công dở dang buộc phải dừng lại do chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng. Đường cơ động ven biển An Phú- An Hải là một ví dụ. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 4- 2005, đến tháng 3-2006 phải dừng thi công do chưa giải phóng dứt điểm mặt bằng. Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, dự án này có tổng mức đầu tư 48.109 triệu đồng, trong đó dự kiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng 770 triệu đồng. Thế nhưng TP Tuy Hoà và huyện Tuy An lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến 7.724 triệu đồng, nghĩa là gấp 10 lần so với dự toán ban đầu, trong đó phương án bồi thường của huyẹân Tuy An với kinh phí 6.529 triệu đồng chưa được phê duyệt. Như vậy có thể thấy, ngay từ khi lập dự án chủ đầu tư là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã không lường hết giá trị khối lượng đền bù. Đây cũng là dự án vừa thi công xây dựng vừa thực hiện  giải phóng mặt bằng nhưng công tác giải phóng mặt bằng đã đi sau và không có kinh phí bồi thường kịp thời đã cản trở việc thi công, dẫn đến công trình không thực hiện đúng kế hoạch. Ở dự án hồ chứa nước La Bách (Sông Hinh), sự việc trở nên rắc rối hơn, khi một số người quá khích đập phá thiết bị máy móc, cản trở công việc thi công của nhà thầu do việc đền bù chưa thực hiện đầy đủ.

 

Ở một số dự án khác, chậm tiến độ lại do công tác đền bù chưa thỏa đáng và còn sai sót từ phía cơ quan chức năng gây thắc mắc, khiếu kiện  trong nhân dân. Dự án cảng Vũng Rô có 131 trường hợp phải đền bù với kinh phí 3.115 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn còn 51 trường hợp không chịu nhận tiền bồi thường. Họ cho rằng giá trị bồi thường đã lạc hậu (được lập và phê duyệt  từ tháng 8-1999) và kiến nghị được bồi thường theo đơn giá mới do UBND tỉnh ban hành tháng 5-2005. Việc kiến nghị được đền bù theo đơn giá mới của 51 hộ dân là chính đáng, phù hợp với quy định pháp luật, đang được tỉnh xem xét giải quyết. Mới đây, UBND huyện Đông Hòa kiến nghị phải hỗ trợ cho tất cả 79 hộ đã nhận tiền đền bù trước đó vì cho rằng những hộ này đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương di dời lại bị thiệt thòi hơn những trường hợp thắc mắc, dây dưa. Rõ ràng ở dự án này, việc đền bù chia làm nhiều lần nên đã phát sinh tình hình phức tạp trên.

 

Nhưng dự án còn nhiều vấn đề tồn tại gây bức xúc trong nhân dân là KCN Hoà Hiệp 2 (huyện Đông Hòa) nơi có 1.352 đối tượng bị ảnh hưởng. Dự án này nằm trên địa bàn hai xã Hoà Hiệp Trung và Hoà Hiệp Nam, có quy hoạch tổng thể ban đầu 234,7 ha, sau đó điều chỉnh còn 232,7 ha. Theo điều tra kiểm kê tháng 4-2003, dự án cần khoảng 25 tỷ đồng để đền bù giải toả mặt bằng. Tuy nhiên, do kinh phí không đủ nên tháng 5-2004, UBND tỉnh mới duyệt phương án đền bù giai đoạn 1 trên diện tích 93,7 ha thuộc địa phận xã Hoà Hiệp Nam với giá trị 9,3 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này việc đền bù giải toả mới thực hiện được 61,3 ha (phần đất giao cho Công ty Rapexco) với giá trị gần 3,5 tỷ đồng, song việc kiểm kê cũng không chính xác dẫn đến có 6 trường hợp khiếu nại do tính thiếu khối lượng. Ở dự án này, tháng 2- 2003, UBND tỉnh còn đồng ý cho xã Hoà Hiệp Trung giải phóng mặt bằng trên diện tích 22,6 ha thuộc thôn Phú Hòa để xây dựng khu dân cư và nghĩa trang xã. 16 hộ dân trong khu vực này đã nghiêm túc thực hiện việc giải toả mặt bằng ngay sau đó, nhưng đến nay phương án đền bù chưa có. Sự chậm trễ của cơ quan chức năng đã làm cho người dân hết sức bất bình gởi đơn khiếu nại nhiều nơi. Tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh mới đây, nhiều người dân đã bày tỏ bức xúc trước quy hoạch “treo” của KCN Hoà Hiệp 2. Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Trung Nguyễn Hữu Mười thừa nhận: Hoạt động sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân trong vùng dự án đang gặp không ít khó khăn, một số hộ có nhà ở đã xuống cấp nặng làm đơn xin sửa chữa, cơi nới nhưng chính quyền không dám cho phép. Cũng cần nói thêm, đến thời điểm này quy hoạch chi tiết của dự án KCN Hoà Hiệp 2 chưa được UBND tỉnh thông qua nên các ngành chức năng chưa có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo như làm thủ tục giao đất cho thuê đất đối với công ty Rapexco hoặc triển khai xây dựng khu tái định cư…

 

Từ năm 2002 đến năm 2005, toàn tỉnh có 133 dự án, công trình có phát sinh đền bù, hỗ trợ và tái định cư thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, tổng diện tích đất phải thu hồi là 2.102,29 ha; có 8.385 đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có 1.500 hộ bị giải toả trắng phải  di dời tái định cư; tổng kinh phí đến bù 152.278 triệu đồng.

 

Nguồn: Sở Tài chính

Việc giải phóng mặt bằng của nhiều dự án chậm còn do xây dựng các khu tái định cư để di dời các trường hợp phải giải toả trắng không kịp thời. Hai khu tái định cư Bãi Ngà và Suối Rô để bố trí định cư cho gần 100 hộ dân phải di dời giải toả mặt bằng xây dựng cảng Vũng Rô vừa thi công xong mặt bằng đã di dời một số hộ đến xây dựng nhà ở, trong khi các công trình hạ tầng khác như điện, nước, đường nội bộ chưa hoàn chỉnh. Đáng nói hơn, một số nhà ở của dân vừa xây dựng xong đã có hiện tượng lún nền, nứt tường. Điều này cho thấy chất lượng thi công san lấp mặt bằng không bảo đảm chất lượng, một số vị trí trong khu tái định cư còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Ban quản lý các công trình trọng điểm phải thuê tư vấn đánh giá lại chất lượng mặt bằng của các khu tái định cư này. Hơn nữa quỹ đất tái định cư ở đây chỉ bố trí được bình quân 55- 60m2/hộ là quá chật không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn. Cảng Vũng Rô đã đưa vào khai thác từ cuối năm 2005 nhưng còn một số hạng mục chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ do chưa giải toả xong mặt bằng, đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của cảng. Dự án hạ tầng du lịch Độc Lập- Long Thuỷ- Gành Đá Đĩa có 58 hộ phải di dời được bố trí vào 2 khu tái định cư An Phú (TP Tuy Hoà) và An Hải (Tuy An). Khi chúng tôi đến An Phú, dự án tái định cư còn đang thi công dở dang lưới điện, hệ thống thoát nước. Trong khi đó, tuyến đường Độc Lập- Long Thủy dài 4.090m do Công ty TNHH Hoàng An thi công chưa được thông tuyến, đoạn còn lại như vào ngõ cụt vì vướng nhà dân. Phó giám đốc Công ty Hoàng An Nguyễn Văn Viết bức xúc không kém, bảo: “Theo hợp đồng, chúng tôi thi công trong vòng 8 tháng, đến nay đã hết thời gian. Ngay từ khi khởi công, chúng tôi đã mất 2 tháng chờ giải phóng mặt bằng đoạn đầu 3km, còn bây giờ lại phải chờ đoạn cuối khoảng 450m vì vướng nhà dân không biết đến lúc nào mới giải tỏa xong. Hiện tại lực lượng thi công đang nằm chờ thi công cầm chừng rất lãng phí, tốn kém”.

 

NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

 

Trước tiên phải thừa nhận công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm vì ảnh hưởng đến lợi ích, làm thay đổi điều kiện sản xuất, sinh hoạt của nhiều người dân. Do vậy có không ít trường hợp người dân cố tình kê khai tài sản, đất đai, cây cối hoa màu không đúng sự thật; đòi bồi thường không đúng chính sách; hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục tham gia gây cản trở việc thi công cho rằng khi có khiếu nại, tranh chấp sẽ được bồi thường cao hơn. Tuy nhiên cũng có trường hợp kiểm kê không chính xác dẫn đến khiếu kiện mà sai sót thuộc về Hội đồng đền bù hỗ trợ tái định cư các cấp, như trường hợp 62 hộ dân ở Hòa Hiệp Nam đòi bồi thường bổ sung hàng rào cây xanh. Giải thích còn những sai sót trên, Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh cho rằng: Các hội đồng này làm việc chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm, trách nhiệm không cao, chậm đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh. Trong khi đó, giữa các dự án lại có cơ chế chính sách khác nhau, đồng thời trình độ một số cán bộ làm công tác đền bù chưa am hiểu đầy đủ về cơ chế chính sách bồi thường, tái định cư để thuyết phục giải thích cho dân. Đây là một trong những lý do việc đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án dây dưa kéo dài, cá biệt có trường hợp phải thực hiện cưỡng chế như  7 hộ thuộc dự án đường Hùng Vương.

 

060701-tai-dinh-cu.jpg
Khu tái định cư An PHú, nơi những hộ dân bị giải tỏa cho dự án hạ tầng du lịch Độc Lập - Long Thủy - Gành Đá Đĩa được bố trí nơi ở còn đang rất ngổn ngang việc thi công hạ tầng - Ảnh: Nguyễn Trưởng

 

Qua các dự án nêu trên còn cho thấy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư luôn nằm trong thế bị động, thường thực hiện theo kiểu cuốn chiếu vừa thi công xây dựng công trình vừa lo giải phóng mặt bằng. Do vậy khi giải phóng mặt bằng bị ách tắc thì lập tức ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhất là những dự án có đối tượng bị giải toả trắng phải di dời tái định cư. Nguyên nhân, khi lập dự án, chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này, để công tác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư hoàn thành trước khi khởi công xây dựng công trình. Hơn nữa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thường giao cho địa phương có dự án thực hiện, đôi khi phối hợp thiếu chặt chẽ với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau làm mất lòng tin của người dân. Như về trường hợp giải tỏa 22,6 ha ở Hòa Hiệp Trung đến nay chưa được đền bù cho dân, ông Bùi Ngọc Bình, Trưởng ban quản lý các KCN cho rằng: “Việc phương án đền bù chưa được phê duyệt, các hộ dân chưa được đền bù, nhưng chính quyền địa phương cho nhân dân giải tỏa là không đúng”. Còn Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Trung, Nguyễn Hữu Mười cho biết: “Trách nhiệm của địa phương chỉ tham gia với tư cách là thành viên giúp cho Hội đồng đền bù của huyện làm công tác kiểm kê. Còn trách nhiệm đền bù cho những hộ dân này thuộc Ban quản lý các KCN, bởi căn cứ vào thông báo 81/TB-UB ngày 19-2-2003 của UBND tỉnh Phú Yên ghi rõ: Kinh phí chuẩn bị đầu tư các hạng mục trên được trích từ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng KCN Hòa Hiệp 2”. Khi chúng tôi làm việc với Hội đồng đền bù, hỗ trợ và tái định cư huyện Đông Hòa thì được biết, đơn vị này chưa có hồ sơ bàn giao từ huyện Tuy Hòa cũ.

 

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nguồn vốn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thường không được phân bổ kịp thời. Dự án hạ tầng du lịch Độc Lập- Long Thuỷ- Gành Đá Đĩa có phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư giai đoạn 2 đã duyệt là 4.482 triệu đồng nhưng mới bố trí vốn được 3 tỷ đồng trong kế hoạch năm nay. Theo Sở Tài chính, năm 2005, trên địa bàn tỉnh có 40 công trình phải thực hiện bồi thường với tổng kinh phí trên 89,7 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ đối với ngân sách của tỉnh nên việc cân đối vốn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn.

 

Để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tiến hành thuận lợi đòi hỏi trách nhiệm từ hai phía người dân và cơ quan chức năng. Đối với người dân bị ảnh hưởng của dự án phải thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi nhà nước thu hồi đất đai vào mục đích chung của xã hội mà chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách. Đối với cơ quan chức năng nhất là chủ đầu tư và Hội đồng đền bù hỗ trợ tái định cư cần nâng cao trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ. Trước khi tiến hành công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư cần tạo sự đồng tình trong nhân dân bằng cách công khai đầy đủ các chính sách, chế độ bồi thường của nhà nước, thời gian thực hiện, vị trí địa điểm khu tái định cư (nếu có), quan tâm tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, khâu đo đếm khối lượng ban đầu cần chính xác, áp dụng chính sách nhất quán cho mọi đối tượng; ưu tiên bố trí đủ vốn chi trả cho dân, không để kéo dài, nhất là khi giá cả thị trường biến động sẽ nảy sinh tình hình phức tạp.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek