Sau khi vượt ngưỡng 29 triệu đồng/lượng, ngay lập tức giá vàng trên thị trường Phú Yên “lao dốc” còn 25,8 triệu đồng/lượng, sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Thị trường vàng liên tục “nhảy múa” khiến cả doanh nghiệp kinh doanh và người mua vàng trích trữ cũng “nhảy múa” theo.
Khách hàng mua vàng tại một doanh nghiệp vàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: VÂN NGUYÊN |
Lúc 8g ngày 12/11, giá vàng SJC niêm yết tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn TP Tuy Hòa ở mức 26,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 28,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến 13g cùng ngày, giá vàng có đến năm lần điều chỉnh giá và “rớt” xuống chỉ còn 25,8 triệu đồng/lượng mua vào và 26,4 triệu đồng/lượng bán ra. Bà Lê Thị Phượng, nhân viên bán hàng tại hiệu vàng Kim Hoàng, ở đường Nguyễn Văn Linh (TP Tuy Hòa) cho biết, trước ngày 10/11 giá vàng liên tục tăng, có ngày phải điều chỉnh giá ba bốn lần, còn hiện tại giá vàng đang giảm.
Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Phú Yên, giá vàng thế giới 11/11 ở mức 1.000 USD/ounec, quy đổi ra giá trong nước, sau khi cộng các chi phí vận chuyển, gia công, thuế và tỉ giá, mỗi lượng vàng chỉ ở mức 23,4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng ngoài thị trường lại ở mức 28 – 29 triệu đồng/lượng, cao hơn tới hơn 5 triệu đồng so với giá trên thế giới. Với mức giá này, người mua vàng vào sẽ gặp nhiều rủi ro. Giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian qua không phải thị trường vàng trong nước khan hiếm mà do một số tin đồn thất thiệt và hiện tượng đầu cơ “làm giá” của một số nhà đầu tư. Để giải cơn “khát” vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép một số ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhập khẩu vàng với số lượng không hạn chế nhằm bình ổn thị trường.
Mặc dù giá vàng giảm mạnh nhưng thị trường vàng Phú Yên không mấy sôi động, khách hàng giao dịch chủ yếu là bán ra. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại tỏ ra bức xúc khi một số doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết giá mua vào thấp hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá bán ra. Nhưng đến 13g ngày 12/11, độ “vênh” giữa giá mua vào và bán ra chỉ còn 600.000 đồng/lượng. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ Doanh nghiệp kinh doanh vàng Kim Thạch Bích (TP Tuy Hòa), cho biết, độ “vênh” nhau giữa giá vàng mua vào và bán ra cao trong thời điểm nhạy cảm này là điều tất nhiên. Hiện giá vàng thế giới đã lên mức 1.120 USD/ounec, gần bằng với giá vàng trong nước, nhưng hầu như không có người mua vào mà chỉ có người bán ra. Đây là điều ngược với quy luật của thị trường. “Thời điểm này rất khó dự đoán vì ngoài phụ thuộc vào giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhập khẩu vàng lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội” - bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết thêm.
Trước tình hình giá vàng “nhảy múa” khó lường, mấy ngày nay những người có khoản nợ liên quan tới vàng không khỏi “xót ruột”. Bà L. T. T. V ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) đang mua vàng tại tiệm vàng Kim Tài, cho biết: “Cách đây hai năm tôi mua một lô đất, vì thiếu tiền nên phải vay người thân ba lượng vàng. Thời điểm đó giá vàng ở mức 16 triệu đồng/lượng, còn nay đã tăng lên 28 triệu đồng/lượng. Thấy mà tiếc, nhưng vẫn phải mua vì nợ đã đến kỳ phải trả”.
Các chuyên gia ngân hàng nhận định thị trường vàng trong nước vài ngày tới sẽ tiếp tục giảm, bất chấp giá vàng thế giới có nhích lên hay không. Đầu tư vàng vào thời điểm này phải cẩn trọng vì chứa đựng nhiều rủi ro.
VÂN NGUYÊN