Hiện nay, ngành thủy sản Phú Yên đang quán triệt và triển khai tuyên truyền thực hiện Quyết định 47/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.
Theo đó, các mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng biển nước ta; xác lập luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển; thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững vùng biển, ven biển và hải đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển.
Xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống luật pháp và hệ thống tổ chức, nâng cao trình độ quản lý, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật của công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2020 đạt trình độ trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể:
- Giai đoạn 2006 – 2010: Xây dựng, hoàn thiện về cơ bản chính sách, luật pháp bảo đảm nguồn nhân lực, vốn đầu tư, hoàn thành về cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển. Đáp ứng trực tiếp các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biển ven bờ; xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường biển đồng bộ, có hiệu lực, có sự phối hợp chung và phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên biển.
- Giai đoạn 2011 – 2020: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên - môi trường biển Việt Nam, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiện đại, có độ tin cậy cao. Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống tổ chức, quản lý và đội ngũ cán bộ đạt trình độ trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á.
Các giải pháp chính thực hiện đề án: Nâng cao nhận thức về kinh tế biển, về tài nguyên - môi trường biển; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển, huy động lực lượng chuyên gia ở các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu cùng địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, đúng tiến độ, triển khai thực hiện Đề án. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường biển; rà soát phân công nhiệm vụ điều tra cơ bản giữa các Bộ, ngành và các địa phương ven biển; nâng cao vai trò, vị thế của chính quyền các địa phương trong nhiệm vụ quản lý vùng ven biển. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường biển để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên - môi trường biển. Bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn thu phí môi trường và đóng góp khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế...
NGUYỄN VĂN DO