Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2006, các cơ sở sản xuất giống thủy sản ở Phú Yên đã sản xuất tôm post với số sản lượng trên 500 triệu con (trong đó tôm sú khoảng 425 triệu, tôm thẻ chân trắng 75 triệu con). Đồng thời hàng chục đơn vị, cơ sở, cá nhân ở các huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa, Tuy An… du nhập và ương nuôi nhiều loại giống thủy sản, nhất là các loại cá nước ngọt.
Có thể nói, hiện nay nguồn giống thủy sản sản xuất và nhập vào trong tỉnh với số lượng lớn, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt…
Tuy nhiên, do ngành thủy sản chưa chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm dịch, nên các loại giống sản còn kém chất lượng làm ảnh hưởng đến người nuôi. Theo báo cáo của Sở Thủy sản Phú Yên, 6 tháng đầu năm nay, ngành chỉ mới kiểm dịch được 108 triệu con post tôm sú, 41 triệu con tôm thẻ chân trắng, 50.460 con cá mú. Điều này cho thấy số lượng giống thủy sản được kiểm dịch rất thấp, và nhiều loại giống thủy sản khác như cá rô phi đơn tính, ếch, cá lăng, cua, ốc hương… vẫn chưa được quản lý kiểm dịch, xử lý mầm bệnh!
Lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo, một số cơ sở du nhập giống tôm kém chất lượng, không sạch bệnh để cung ứng cho người nuôi, hoặc chạy theo lợi nhuận, đã “ép” tôm đẻ nhiều lứa làm cho giống tôm post có sức đề kháng yếu, không đảm bảo tiêu chuẩn thả nuôi. Gần đây, các “đại gia” sản xuất tôm giống trong tỉnh phải vào tận các tỉnh miền Nam như Sóc Trăng, Kiên Giang, Phú Quốc… để mua tôm giống bố mẹ. Song có một thực tế là tôm giống ở vùng biển miền Nam giá rẻ, nhưng phần lớn không đảm bảo chất lượng, lại vận chuyển đường xa, làm cho tôm yếu, tỷ lệ đẻ thưa và tất nhiên tôm post kém hiệu quả. Một số cơ sở lại mua gom các loại cá nước ngọt không rõ nguồn gốc ở nhiều nơi đem về cung ứng cho dân ở nông thôn thả nuôi bị nhiễm bệnh và tỉ lệ hao hụt rất cao…
Giống thủy sản yếu, không kiểm dịch, kém chất lượng, thêm vào đó môi trường ở một số vùng nuôi bị phá vỡ, ô nhiễm đang báo động khả năng xuất hiện dịch bênh jvà lây lan nhanh, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Đây là vấn đề bức bách đòi hỏi ngành thủy sản Phú Yên và chính quyền các địa phương sớm có biện pháp quản lý, kiểm dịch, xử lý vi phạm… nhằm tạo ra nguồn giống chất lượng, sạch bệnh phục vụ cho phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.
TRẦN AI