Internet là môi trường thiết yếu cho ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp. Số doanh nghiệp truy cập Internet sử dụng phương thức ADSL cho thấy mức độ phổ cập Internet vẫn đang tiếp tục tăng trong những năm gần đây.
Đặc biệt, phương thức truy cập ADSL ngày càng trở nên phổ cập và chiếm tỉ lệ áp đảo so với các phương thức truy cập còn lại. Mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng bắt đầu triển khai một số phương thức truy cập Internet sử dụng đường truyền riêng như cáp quang, Leased line, IXP. Với nhiều ưu điểm như tốc độ cao, kết nối ổn định, bảo mật tốt, các phương thức này đang được một số doanh nghiệp lựa chọn. Phương thức quay số gần như không còn hiện diện. Ngoài ra, có mối liên hệ tương đối giữa hình thức truy cập và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng đường truyền riêng ở khu vực TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp không kết nối Internet hoặc sử dụng phương thức quay số lớn nhất nằm ở các khu vực còn lại. Hình thức truy cập cũng còn bị ảnh hưởng bởi quy mô doanh nghiệp, 100% số doanh nghiệp sử dụng phương thức quay số và không kết nối Internet là các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động. Trong khi đó phương thức đường truyền riêng được khá nhiều doanh nghiệp vừa và lớn sử dụng. Tuy nhiên, mục đích sử dụng Internet trong doanh nghiệp chưa có sự thay đổi lớn. Đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin và giao dịch với đối tác bằng thư điện tử. Khi phương thức truy cập ADSL và đường truyền riêng ngày càng trở nên phổ cập, tỉ lệ doanh nghiệp bắt đầu sử dụng Internet như một công cụ quan trọng để truyền và nhận file dữ liệu tăng đều qua các năm. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2006 có 62,8% doanh nghiệp sử dụng Internet như một công cụ để truyền và nhận file dữ liệu, năm 2007 là 68,3% và đến năm 2008 là 71%. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau. 54% doanh nghiệp kết hợp sử dụng Internet cho ít nhất 4 mục đích trở lên. Gần 20% doanh nghiệp đã tận dụng đồng thời từ 6 tới 7 mục đích sử dụng Internet. Tuy vậy, 23% doanh nghiệp vẫn chỉ sử dụng Internet với 1 hoặc 2 mục đích. Tỉ lệ này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của Internet.
Hiện tại, việc sử dụng Internet của doanh nghiệp vẫn còn một số trở ngại nhất định. Trả lời câu hỏi đánh giá những cản trở đối với việc sử dụng Internet theo thang điểm từ 1 tới 4, trong đó 4 là mức trở ngại cao nhất, được đánh giá gây trở ngại ít nhất là vấn đề “hiệu quả chưa rõ rệt” với điểm trung bình 1,0. Điều này cho thấy Internet đã khẳng định được tầm quan trọng và hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, “chi phí tốn kém” và “công nghệ quá phức tạp” cũng không còn là các vấn đề gây trở ngại lớn. Tuy nhiên, năm 2008, doanh nghiệp phản ánh hai trở ngại lớn nhất trong việc sử dụng Internet là “chất lượng dịch vụ Internet” và “an toàn bảo mật”. Đặc biệt, từ năm 2006 tới nay, vấn đề an toàn bảo mật vẫn bị đa số các doanh nghiệp coi là trở ngại lớn nhất trong việc ứng dụng Internet. Nhìn chung, tất cả các trở ngại đều có xu hướng giảm dần so với các năm trước, song mức giảm không nhiều.
Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Mục đích sử dụng Internet của doanh nghiệp tập trung vào tìm kiếm thông tin, trao đổi với đối tác qua thư điện tử và truyền gửi file dữ liệu. Mặc dù vậy vẫn còn hai trở ngại rất lớn đối với việc sử dụng Internet của doanh nghiệp. Trở ngại lớn nhất là vấn đề an toàn và bảo mật đã tồn tại nhiều năm nay. Trở ngại thứ hai là chất lượng dịch vụ đường truyền vẫn chưa đảm bảo gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công việc kinh doanh.
NGUYỄN THỊ KIM BÍCH
(Sở Công Thương Phú Yên)