Dự án Trục giao thông phía Tây Phú Yên đã phát triển mạng lưới giao thông trong khu vực, nối liền ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội phía Tây tỉnh Phú Yên và vùng lân cận; đồng thời góp phần củng cố an ninh quốc phòng, đi lại của các huyện miền núi nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.
Cầu Ea Ksor trên trục giao thông phía Tây Phú Yên ngày khánh – Ảnh: MINH NGUYỆT
“KHÔNG CÒN SỢ BỊ CÔ LẬP“
Từ bao đời nay, tuyến giao thông ĐT 649 hay còn gọi là trục giao thông phía Tây tỉnh Phú Yên đi qua địa bàn huyện Sông Hinh dài hơn 30 km đi lại rất khó khăn, nhất là đoạn từ thị trấn Hai Riêng vào xã Sông Hinh. Vào mùa mưa lũ, tuyến đường này thường xuyên bị chia cắt gây trở ngại cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2004, các cầu trên tuyến ĐT 649 được triển khai xây dựng và hoàn thành, gồm: Sông Ba, Ea Bia, Dunga, H’Ly và Ea Ksor, tạo thuận lợi cho việc thông thương và đi lại của nhân dân trong vùng. Ngày khánh thành cầu Ea Ksor, người dân trong vùng bày tỏ niềm vui khôn xiết. Ma Tý ở buôn Suối Dứa (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) phấn khởi: “Hễ mưa xuống là nước suối lên, chúng tôi không thể qua bờ bên kia để đến Hai Riêng được, có khi bị cô lập cả tháng trời. Nay đã có cầu, cái bụng mừng lắm, chẳng còn sợ bị cô lập nữa”. Ma Teo ở Buôn Kít thì hồ hởi: “Có cầu, có đường, hàng hóa từ Hai Riêng (huyện Sông Hinh) và Ma Đrắc (tỉnh Đắk Lắk) mang về đây nhiều hơn và mua bán dễ dàng”. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Y Thông cho biết: “Đây là niềm vui lớn của cán bộ và nhân dân huyện Sông Hinh. Từ nay, việc đi lại, giao thương hàng hóa giữa huyện và xã cũng như các huyện bạn sẽ có nhiều thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng”.
Giai đoạn I của dự án vừa kết thúc, tuyến đường này thông suốt với tỉnh Bình Định và Đắk Lắk, không còn phải chịu cảnh ngập lụt, gây ách tắc, mất an toàn trong mùa mưa bảo. Tuyến dường có tổng chiều dài hơn 115 km, điểm đầu nối với tuyến ĐT 638 thuộc huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), điểm cuối nối với tuyến NT 715B thuộc huyện Ma Đrắc (tỉnh Đắk Lắk). Trên địa phận tỉnh Phú Yên, tuyến đường đi qua ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh, có tổng vốn đầu tư hơn 609 tỉ đồng, từ các nguồn vốn: ngân sách tỉnh, trái phiếu Chính phủ và ODA. Giai đoạn 1, UBND tỉnh Phú Yên đã phân bổ chi tiết các hạng mục thuộc dự án, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư cho các cầu trên tuyến và một số đoạn đường đèo dốc với mục tiêu trước mắt đảm bảo thông tuyến trong mùa lũ. Hiện dự án đã hoàn thành 11 cầu với tổng chiều dài gần 1.300 m. 36 km nền đường và hệ thống thoát nước ở những đoạn đèo dốc và sình lún như ĐT 643 qua Sơn Long, Sơn Định; ĐT 649 qua các xã Ea Bia, Sông Hinh được thi công; hoàn thiện gần 18 km nền - mặt đường bê tông nhựa. Đến nay, tổng giá trị thực hiện của dự án là 220 tỉ đồng.
TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THI CÔNG
Ông Đỗ Trí Sơn - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Yên cho biết: “Giai đoạn 2 trục giao thông phía Tây Phú Yên được phân bổ 65 tỉ đồng. Số vốn này để triển khai một số hạng mục cần thiết như rà phá bom mìn và đo đạc giải phóng mặt bằng toàn bộ các đoạn tuyến còn lại của dự án. Hoàn thiện mặt đường bê tông nhựa của những đoạn nền đường đã được đầu tư trong giai đoạn I với tổng chiều dài gần 18 km, triển khai đầu tư tiếp các đoạn trên tuyến ĐT 649 từ thị trấn Hai Riêng đến xã Sông Hinh 9 km, sửa chữa nâng cấp ĐT 645 từ ngã ba Tuy An đến thị trấn Hai Riêng, đầu tư đoạn tuyến ĐT 642 nối từ cầu La Hai cũ đến cầu La Hai mới”. Chủ đầu tư đã tích cực triển khai cụ thể và giai đoạn 2 được phân làm 9 gói thầu xây lắp. Dự kiến, các gói thầu giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trước mùa mưa năm 2010. Các mục thuộc dự án ADB5 có tổng trị giá 50 tỉ đồng hiện đang chờ Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt kết quả đấu thầu, dự kiến khởi công trong quý IV/2009 và hoàn thành vào đầu năm 2011.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi cho rằng: “Việc đầu tư giai đoạn 1 và triển khai đầu tư giai đoạn 2 trục giao thông phía Tây là một việc làm mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhiệm vụ được giao, trước nguyện vọng đông đảo của cán bộ nhân dân, nhất là các địa phương có tuyến đường đi qua”. Chủ tịch Phạm Ngọc Chi cũng đã chí đạo: Các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho dự án về kinh phí, giải ngân, thu hồi đất, đặc biệt là các địa phương có tuyến đường đi qua cần thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình; phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông - Vận tải bảo vệ thật tốt các công trình trên tuyến. Khối lượng còn lại của giai đoạn 2 rất lớn (khoảng gần 70%), trong khi thời gian còn lại là rất ngắn. UBND tỉnh sẽ xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy cho áp dụng cơ chế các dự án cấp bách để đảm bảo tiến độ và giải ngân của dự án.
MINH TRIẾT