Tập quán chăn nuôi bò theo hình thức thả rông của nông dân miền núi không chỉ làm chất lượng đàn bò thấp kém, tỉ lệ hao hụt cao, mà còn gây khó khăn trong công tác tiêm phòng dịch bệnh. Thực tế này đang diễn ra tại hai huyện Sông Hinh và Đồng Xuân đòi hỏi các ngành chức năng có biện pháp quyết liệt - nếu muốn ngành chăn nuôi bò phát triển bền vững.
Lùa bò lên núi thả rông – Ảnh: H.NAM
Chị La Lang Thị Dù ở thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) nuôi 10 con bò theo hình thức thả rông, đến mùa cày thì lùa về, cày xong tiếp tục lùa thả vào rừng nhập bầy đàn. Mùa mưa năm 2007, sau gần một tháng chăn nuôi bò theo kiểu tự nhiên này dưới chân núi La Hiên mới vào thăm thì phát hiện xác con bò đực chết kẹt trong hốc đá. Chị Dù kể: Bò chết không chỉ thiệt hại về kinh tế gia đình, mà còn không có bò để cày đất trồng trọt, bởi trong số 10 con bò đâu phải con nào cày cũng được. Muốn cày phải tập luyện, nhưng bò sống quen theo kiểu thả rông với bản tính hoang dã nên rất khó khăn trong việc thuần dưỡng để phục vụ cày kéo. Còn Mí Nhạn cũng ở xã Phú Mỡ khi vào rừng cách nhà 3 cây số - nơi đàn bò nhà Mí đang thả rông thì phát hiện con bò ghé chết. Mí Nhạn nói: “Bò con không chịu nổi cái lạnh núi rừng, cộng thêm thiếu sự chăm sóc nên nó chết. Thường thì một tháng mới vào thăm một lần, biết bò cái có chửa nhưng không biết đẻ lúc nào. Ở đây đã từng xảy ra tình trạng bò chết rớt xuống hố, có trường hợp đi lạc qua khu vực rừng giáp ranh tỉnh Gia Lai”.
Không chỉ nhà chị Dù, Mí Nhạn, ở xã Phú Mỡ có rất nhiều hộ dân cũng nuôi bò theo hình thức này. Ông Lang Dũng nuôi 12 con bò, nói: “Bò nhà tôi nuôi không mất công chăm sóc vì được thả rông tở núi Hòn Nhọn, La Hiên. Mỗi tuần tôi lên thăm một lần rồi về”. Còn ông Sô Minh Bét nuôi 40 con bò, khi vào thăm và kiểm điếm lại đàn bò và phát hiện đàn bò tăng lên đến… ba con. Sau khi kiểm tra lại mới biết ba bò cái nhà ông chửa và đẻ cùng lúc.
Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, xã Phú Mỡ hiện có diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh Phú Yên, điều này rất thuận lợi trong việc nuôi bò thả rông. Cũng chính vì thế nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là từ việc chăn nuôi bò, có nhà nuôi đến 50 con. Việc chăn nuôi theo kiểu thả rông làm cho chất lượng bò kém, mà cũng làm cho các ngành chức năng phải đau đầu. Một cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân cho biết, nhiều khu vực rừng trồng bị bò giẫm gãy đổ, năm nào cũng phải trồng dặm lại, dù ban quản lý đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức tuyên truyền, nghiêm cấm việc thả bò vào những khu vực rừng trồng nhưng không phát huy hiệu quả.
Cách đây ba năm, tại các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân bò chết lên đến gần ngàn con, gây thiệt hại về kinh tế. Nguyên nhân là do tập quán chăn nuôi bò theo hình thức thả rông, khi gặp thời tiết lạnh kéo dài, bò suy kiệt sức lực dẫn đến chết. Ngoài ra, bò không được tiêm phòng nên thương hay ủ các loại bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, sức đề kháng yếu cũng dẫn đến chết. Thống kê của Chi cục Thú y Phú Yên cho thấy, kết quả tiêm phòng đợt II/2009 ở 6 xã thuộc hai huyện Sông Hinh và Đồng Xuân đạt tỉ lệ thấp. Cụ thể, xã Phú Mỡ chỉ đạt 53%; các xã Ea Lâm, Ea Bia, Ea Bar, Ea Trol và thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt 29 - 70%. Ông Hoàng Trọng Chung - Trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết công tác tiêm phòng ở trâu bò được triển khai quyết liệt đến tận các xã, tuy nhiên đa số các hộ nuôi bò thả rông không tích cực tham gia nên kết quả không đạt theo như kế hoạch đề ra. Vì vậy, bước vào mùa mưa bò nuôi thả rông gặp lạnh chết là điều khó tránh khỏi.
LÊ TRÂM