Thứ Bảy, 05/10/2024 22:18 CH
Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội
Thứ Ba, 13/10/2009 07:07 SA

“Doanh nghiệp, doanh nhân làm gì để thể hiện trách nhiệm đối với xã hội?” - Đó là câu hỏi được phóng viên Báo Phú Yên đặt ra nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay và nhận được ý kiến phản hồi của một số doanh nhân. 

 

tang-qua.091013.jpg

Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên tổ chức thăm, tặng quà cho hộ nghèo dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

* Ông HỒ MINH HOÀNG - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hải Thạch: “DOANH NGHIỆP PHẢI GÓP PHẦN THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN”

 

 Có thể nói, trong quá trình sản xuất kinh doanh, mục tiêu tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp cũng phải đặt cùng mục tiêu phục vụ xã hội là trách nhiệm xã hội đối với doanh nhân. Một doanh nhân có trách nhiệm đối với xã hội là một doanh nhân sáng tạo, làm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cụ thể phục vụ nhu cầu xã hội và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

 

Trách nhiệm xã hội của doanh nhân thể hiện ở hai lĩnh vực: quan hệ lao động trong nội bộ doanh nghiệp và với cộng đồng xã hội. Đối với nội bộ doanh nghiệp, trách nhiệm doanh nhân là chủ doanh nghiệp phải làm tròn vai trò của người chủ chăm lo người lao động theo đúng quy định của pháp luật, biết đánh giá và trả lương xứng đáng với sự cống hiến của từng người lao động để họ phấn khởi đem hết tài năng, trí tuệ đóng góp cho doanh nghiệp phát triển. Đối với cộng đồng xã hội, doanh nghiệp phải thực hiện đúng những điều mình cam kết về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân còn thể hiện tinh thần tự nguyện tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Đó còn là đạo đức, là văn hóa của doanh nhân, thế mới xứng đáng và được xã hội tôn vinh.

 

Phú Yên đang tích cực thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Là doanh nhân, chúng ta phải có trách nhiệm chung sức cùng với cả tỉnh để làm việc đó. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng ta làm cho các nơi biết về Phú Yên, vận động các nhà đầu tư tham gia thực hiện những dự án mà tỉnh mời gọi đầu tư như trường hợp chúng tôi vận động một số doanh nghiệp cùng đầu tư thực hiện dự án Hầm đường bộ Đèo Cả bằng hình thức BT, BOT là một ví dụ.

 

Thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội là cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân tạo dựng được lòng tin, uy tín, thiện cảm của bạn hàng, của xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

 

* Ông NGÔ ĐA THỌ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần IDP: DOANH NGHIỆP PHẢI THỂ HIỆN TRÁCH NHIỆM TRONG CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM

 

Lâu nay, người Việt Nam thường quay lưng lại với hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, một phần do chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém, giá thành chưa hợp lý, một phần do tâm lý sính ngoại “xài hàng ngoại mới sang” của một bộ phận người tiêu dùng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động nhằm cảnh tỉnh người dân sử dụng hàng Việt Nam để thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa.

 

Người Việt Nam ta có câu “tiền nào của nấy”. Không thể bắt buộc người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng Việt Nam với giá cả ngang nhau, trong khi chất lượng sản phẩm, hàng hóa lại không bằng nước ngoài sản xuất. Do vậy, muốn người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, vượt qua rào cản tâm lý dùng hàng ngoại, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá cả hợp lý. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc vận động lớn này. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, tạo ra hàng hóa có chất lượng, tìm cách hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đó cũng là con đường tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt.

 

Thời gian gần đây do kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển thị trường trong nước và đã có những thành công nhất định. Sản phẩm dệt may trong nước có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh được người tiêu dùng chấp nhận là một minh chứng. Trong phạm vi từng tỉnh, thành phố, cũng nên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hàng địa phương. Đó còn là hình thức quảng bá thương hiệu địa phương đối với du khách. Tại Phú Yên cũng có nhiều sản phẩm có chất lượng tốt cần khuyến khích người dân sử dụng. Nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ địa phương được người tiêu dùng chấp nhận thì chẳng những doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp thêm cho ngân sách địa phương. Ví dụ như người Phú Yên dùng bia sản xuất tại Phú Yên thì sẽ đóng góp cho ngân sách 1.400 đồng/lít. Hiện nay, Phú Yên là một tỉnh có uy tín trong sản xuất bia đối với cả nước. Chất lượng bia của Phú Yên không thua kém bất cứ sản phẩm nào ở những nơi khác sản xuất. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng để ủng hộ doanh nghiệp địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh?

 

* Ông LÊ VĂN HẬN - Giám đốc DNTN xây dựng Tiến Đức: “TRƯỚC HẾT DOANH NGHIỆP PHẢI HOÀN THÀNH TỐT CÁC NGHĨA VỤ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC”

 

Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trên địa bàn huyện miền núi Đồng Xuân, chuyên ngành xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động. Đi vào hoạt động từ năm 2002, doanh nghiệp nhận thức rằng muốn được xã hội thừa nhận chẳng những phải thể hiện trách nhiệm bằng việc nâng cao chất lượng công trình xây dựng mà còn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, trong đó có nghĩa vụ thuế để góp phần xây dựng đất nước. Bất cứ quốc gia nào, thuế luôn là nguồn thu quan trọng. Từ nguồn thu này, nhà nước tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng, tức là doanh nghiệp có cơ hội có thêm việc làm.

 

Xuất phát từ suy nghĩ như vậy, chúng tôi luôn có ý thức chấp hành tốt các chính sách về thuế như tự giác kê khai trung thực, nộp đủ, nộp đúng thời gian quy định. Có thể nói so với các doanh nghiệp lớn, số thuế mà doanh nghiệp chúng tôi nộp không nhiều (năm 2008 là 100 triệu đồng và năm 2009 dự kiến từ 300- 400 triệu đồng). Với ý thức trách nhiệm đó, liên tục 6 năm (từ năm 2003 đến năm 2008), doanh nghiệp đều hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, và vinh dự được nhận bằng khen của Tổng cục Thuế và UBND tỉnh Phú Yên.

 

Từ chỗ hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp Tiến Đức được chính quyền địa phương tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh, hoàn thành nghĩa vụ thuế, những năm gần đây doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, hỗ trợ xóa 5 nhà ở tạm cho hộ nghèo. Riêng năm 2009, doanh nghiệp ủng hộ 81 triệu đồng, giúp 1 hộ nghèo xây dựng lại nhà và làm đường giao thông nông thôn ở địa phương.

 

NHƯ NGUYỄN (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek