Chủ Nhật, 06/10/2024 03:07 SA
Các hợp tác xã làm đại lý mua nguyên liệu mía:
Chưa có tiếng nói chung
Thứ Năm, 08/10/2009 14:30 CH

Gần đây, một số hợp tác xã ở Phú Yên đã làm đại lý mua mía nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy đường. Hình thức này được đánh giá sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho các hợp tác xã và người trồng mía. Tuy nhiên, phương thức này còn nhiều vướng mắc.

 

mia091008.jpg

Nông dân thu hoạch mía bán cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam - Ảnh: N.T

 

LIÊN KẾT MUA – BÁN

 

Theo Liên minh hợp tác xã Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 19 hợp tác xã với 9.000 hộ xã viên trồng mía trên tổng diện tích 3.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Cuối năm 2008, các hợp tác xã Long Hà, Châu Bình, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) làm dịch vụ mua nguyên liệu mía cung cấp cho các nhà máy chế biến.

 

Để kích thích các hợp tác xã làm đại lý mua mía cũng như giữ vững vùng nguyên liệu về lâu dài, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam vừa tổ chức hội nghị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu mía đối với các hợp tác xã trên địa bàn Phú Yên. Nhiều ý kiến cho rằng việc ký kết này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho hợp tác xã và người trồng mía. Đối với người trồng mía, một khi đảm bảo đầu ra ổn định họ sẽ yên tâm canh tác, hạn chế tình trạng “phá cây này, trồng cây nọ” như lâu nay; góp phần giúp nông dân ổn định sản xuất. Đối với các hợp tác xã, ngoài việc tăng doanh thu, việc làm đại lý cho nhà máy sẽ giúp hợp tác xã nâng cao hơn nữa vai trò trong chăm lo quyền lợi của xã viên.

 

NHIỀU VƯỚNG MẮC

 

Sau 5 năm vận động, đến nay trên địa bàn Phú Yên chỉ có 5 hợp tác xã làm đại lý cho các nhà máy đường. Ông Nguyễn Quang Thu- Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết: “Năm 2005, sau khi ký hợp đồng với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Phú Hòa đã vận động xã viên chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất hai vụ lúa sang trồng mía với diện tích ban đầu 4,5 ha. Phía Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cử người tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 9 tấn mía giống/ha, 620kg/ha phân bón, hỗ trợ tiền mặt không hoàn lại 1 – 1,5 triệu đồng/ha cho các hộ xã viên. Trong vụ đầu tiên, sản lượng mía đạt năng suất trung bình 100 tấn/ha. Những năm sau, do thoái hóa giống nên sản lượng liên tục sụt giảm từ 80 tấn/ha xuống còn 60 tấn/ha trong khi diện tích tăng từ 4,5 ha lên 9,5 ha. Nhiều lần hợp tác xã liên hệ với nhà máy yêu cầu chuyển đổi giống mới nhưng không nhận được nguồn giống đúng lịch thời vụ nên rất nhiều diện tích đất để trống khiến nông dân không yên tâm. Nhiều người đã phá bỏ một phần diện tích trồng mía chuyển sang trồng sắn”.

 

Ông Lê Xuân Đức- Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Hà (thị trấn La Hai, Đồng Xuân) bày tỏ: “Mang tiếng là đại lý mua mía nhưng suốt bốn năm qua chúng tôi chưa nhận bất cứ đồng tiền công nào từ phía Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Trong khi đó, hợp tác xã phải bỏ công sức, tiền bạc nhằm tuyên truyền vận động nông dân giữ vững diện tích sản xuất; phải đi lại nhiều lần để nhận tiền bán mía từ nhà máy về trả lại cho nông dân…”. Một số hợp tác xã như Phước Thọ, Xuân Quang 1 do ruộng mía của nông dân nằm trên gò đồi nên các hợp tác xã tự bỏ chi phí vận chuyển mía từ ruộng ra đường giao thông chính để xe vận chuyển về nhà máy. Khi nhà máy mua xong nguyên liệu lại chậm trả tiền cho hợp tác xã để thanh toán cho nông dân. Nhiều khi hợp đồng vận chuyển đã ký kết với nhà máy nhưng 10 ngày sau khi thu hoạch vẫn không có xe tới chở khiến bà con nông dân bức xúc. Ông Phạm Ngọc Trâm- Chủ nhiệm Hợp tác xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) cho biết: “Hợp tác xã làm đại lý mua nguyên liệu từ nông dân, trực tiếp đầu tư phân, giống cho nông dân nhưng khi có sự chênh lệch về giá giữa nhà máy và những người mua gom thì xã viên lại bán cho họ. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam có chủ trương, hợp tác xã nào gom đủ cho công ty 5.000 tấn mía/vụ sẽ được trả 2.000 đồng/tấn. Theo tôi, số tiền này không đủ chi phí do hợp tác xã tự bỏ ra nên chúng tôi đề nghị công ty nâng số tiền chi trả lên 5.000 đồng/tấn”.

 

Ông R.Subbaiah- Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: “Với quan điểm làm ăn lâu dài, đôi bên cùng có lợi nên ngoài mục tiêu lợi nhuận, chúng tôi cũng chú trọng đến lợi ích của hợp tác xã và nông dân. Dùng hình thức mua sô thay cho hình thức mua theo chữ đường và chỉ trừ một lượng tạp chất 5 – 6% trên tổng sản lượng thay vì lượng thực tế- lượng tạp chất lên tới 25 – 30%. Những vấn đề các chủ nhiệm hợp tác xã đã phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra, giải quyết trong thời gian ngắn. Đến nay đã có 50% số cán bộ nông vụ của công ty làm trái chủ trương của công ty đều bị xử lý kỷ luật. Nhưng cũng phải nói là khi gặp sự cố, các chủ nhiệm không chịu thông báo ngay với công ty mà lại âm thầm giải quyết khiến cho giữa công ty và hợp tác xã nảy sinh nhiều điểm chưa hiểu nhau”.

 

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek