Thứ Hai, 07/10/2024 13:33 CH
Hệ thống bán lẻ ở Phú Yên:
Nặng cung cách cũ, khó cạnh tranh
Thứ Tư, 16/09/2009 07:14 SA

Hệ thống bán lẻ ở Phú Yên đã và đang gặp nhiều thách thức lớn khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Đổi mới quản lý, cung cách phục vụ...là những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh này.

 

Co.opMar090916.jpg

Khách hàng mua sắm tại Co.op Mart Tuy Hòa – Ảnh: M.NGUYỆT

 

THỊ TRƯỜNG MANG TÍNH TRUYỀN THỐNG

 

Tại hội thảo doanh nghiệp Phú Yên nâng cao sức cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ do Sở Công Thương phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Phú Yên tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các mặt hàng sản xuất tại Phú Yên chủ yếu là thuốc tân dược, bia, nước giải khát, đường tinh luyện, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… Thị trường bán lẻ ở Phú Yên chủ yếu là thị trường truyền thống với hệ thống chợ, cửa hàng kinh doanh, ki ốt, hộ buôn bán lẻ… Tính chuyên nghiệp, liên kết, chiến lược lâu dài, nguồn lực về tài chính, nhân lực của các doanh nghiệp chưa cao nên chất lượng, giá cả, mẫu mã sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên - cho rằng: “Thị trường bán lẻ ở Phú Yên đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Biểu hiện rõ nhất là thị trường bán lẻ dễ bị tác động của giá cả thị trường và những đột biến về quan hệ cung - cầu trong nước. Mặt khác, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Phú Yên còn hạn chế; công nghệ, thiết bị còn lạc hậu”.

 

Nhiều ý kiến cho biết hiện nay tình trạng thiếu vốn kinh doanh còn phổ biến, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, chưa đa dạng. Ngoài ra, tình trạng chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp gây thiếu hụt vốn, rủi ro dây chuyền trong các doanh nghiệp diễn ra còn phổ biến. Năng lực quản lý các doanh nghiệp còn hạn chế, các cơ quan chức năng của nhà nước chưa can thiệp kịp thời để chi phối, lập lại trật tự của thị trường hàng hóa. Mặt khác, năng lực thông tin thị trường chưa nhanh nhạy, thiếu quan tâm đầu tư nghiên cứu thị trường. Ông Nguyễn Hoài Sơn lý giải: “Nguyên nhân chủ yếu là do từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, các cửa hàng bán lẻ của hệ thống thương nghiệp do nhà nước quản lý bị giải thể, chưa có hệ thống bán lẻ thay thế. Trong khi đó, doanh nghiệp thương mại quốc doanh lại chưa đủ năng lực, chưa thể hiện vai trò chủ đạo chi phối thị trường, nhất là vào những thời điểm căng thẳng, gay gắt. Các doanh nghiệp bán lẻ còn yếu về nội lực, hầu hết nguồn nhân lực bán lẻ chưa qua đào tạo nên kỹ năng giao tiếp khách hàng rất hạn chế”.

 

Thực tế cho thấy hiện nay cơ sở hạ tầng thị trường bán lẻ ở Phú Yên còn khiêm tốn, mặt bằng kinh doanh bán lẻ thiếu. Một bất cập khác là sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối còn lỏng lẻo nên nguồn hàng cho thị trường bán lẻ không ổn định. Trong hệ thống phân phối còn nhiều cấp trung gian, nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ trên cùng khu vực nên hàng hóa đến các cửa hàng bán lẻ giá còn cao, thiệt thòi cho người tiêu dùng, làm lợi cho các đơn vị trung gian.

 

CÙNG CẠNH TRANH CUNG ỨNG

 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Sơn đề xuất: “Để phát triển bền vững thị trường bán lẻ ở Phú Yên, nên xây dựng một số hệ thống phân phối chủ lực, có nguồn dự trữ hàng hóa phù hợp, phương thức hoạt động, công nghệ kinh doanh tiên tiến để tổ chức hệ thống bán lẻ rộng khắp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý nhà nước tương thích”. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm hình thành mạng lưới phân phối hợp lý, đủ nguồn lực để can thiệp, chi phối quan hệ cung cầu, không để xảy ra cơn “sốt” những mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân như vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, lương thực, thuốc chữa bệnh… Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp quốc doanh, dân doanh cùng tham gia cạnh tranh cung ứng để hàng hóa đến người tiêu dùng bảo đảm chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý. Ông Nguyễn Hữu Đại- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn – Phú Yên, đề nghị: “Tỉnh Phú Yên nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng các cửa hàng tại những khu đô thị, du lịch, thương mại, khu đông dân cư cửa ngõ ra vào của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, tỉnh nên khuyến khích, hỗ trợ thủ tục pháp lý, đầu tư vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã nông nghiệp đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất rau sạch, thịt heo an toàn, các mặt hàng thế mạnh của địa phương đưa vào kinh doanh trong siêu thị, góp phần giải quyết đầu ra nông sản, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời hạ giá thành sản phẩm phục vụ người tiêu dùng”.

 

Phát triển cả hai hình thức bán lẻ

 

Ông Đào Tấn Cam- Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên- nói: “Các doanh nghiệp nên liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, phân phối lớn trong nước để khai thác tối đa sản phẩm, nguồn hàng, xây dựng hệ thống phân phối tối ưu đưa hàng đến tay người tiêu dùng”. Theo ông Cam, thời gian đến, Phú Yên sẽ phát triển song song cả hai hình thức bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống thông qua việc đẩy mạnh đổi mới về cung cách phục vụ của hệ thống chợ, kỹ thuật marketing, nâng cao trình độ quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống chợ, đầu tư, nâng cấp, mở rộng trung tâm thương mại hiện có, đầu tư mới các trung tâm thương mại khác… Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng hai siêu thị hiện có, huy động vốn của mọi thành phần kinh tế để đầu tư các siêu thị mới khi có đủ điều kiện.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek