Thứ Hai, 07/10/2024 17:29 CH
“Khoảng trống” trong bảo quản nông sản sau thu hoạch
Thứ Ba, 15/09/2009 07:00 SA

Trước nay, ngành Nông nghiệp, nông dân thường quan tâm đến chất lượng  nông sản trước, trong khi thu hoạch, nhưng ít có sự đầu tư cho bảo quản nông sản sau thu hoạch.

 

lua-1090915.jpg

Nông dân xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) thu hoạch lúa – Ảnh: KIM SA

 

LÚA “LÊN” ĐƯỜNG VÌ THIẾU SÂN PHƠI

 

Ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, rồi bão số 7, tuần trước, mưa xuất hiện tại nhiều vùng ở Phú Yên. Đó cũng là thời điểm nông dân thu hoạch rộ lúa vụ hè thu. Lo ngại thiệt hại, nông dân nhiều nơi ở Phú Yên đã đổ ra đồng cắt lúa chạy mưa. Lúa chất đầy sân kho, trên đường làng, cả trên các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ.

 

Trên quốc lộ 1A, đoạn qua phường Phú Lâm đến phía nam cầu Đà Rằng (TP Tuy Hòa), lúa phơi dọc hai bên đường kéo dài gần nửa cây số. Lúa ướt đem phơi, gặp thời tiết trời âm u buổi chiều, nông dân đành vô bao chất đống trên đường để sáng hôm sau nếu trời hảnh nắng đem ra phơi tiếp. Dọc theo đường từ Hòa Mỹ Đông đi Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), nông dân cũng phơi lúa giữa đường, dù mật độ xe qua lại trên con đường này rất lớn.

 

Ông Đặng Xuân Mười - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) bức xúc: “Nhiều năm nay, các hợp tác xã không có kinh phí để đầu tư sân phơi lúa cho nông dân. Sân phơi cũ hầu hết bị hư hỏng. Trước tình hình mưa gió vào thời điểm thu hoạch chính vụ này, nông dân đành phải đem lúa lên đường tranh thủ phơi, bởi nếu không phơi thì lúa lên mộng ngay. Chúng tôi và nông dân đều biết phơi lúa trên đường là mất an toàn giao thông, lúa lại bị xe cộ “dậm” ra gạo, nhưng không phơi trên đường thì biết phơi ở đâu bây giờ?”

 

Thiếu sân phơi, lúa tràn ra đường, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ - thực tế này xảy ra nhiều năm nay, nhất là vụ hè thu, khi thời tiết mưa nắng thất thường. Dù vậy, tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết. Kể từ sau thời kỳ khoán diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho nông dân, các hợp tác xã chuyển sang hình thức làm ăn mới, rất nhiều địa phương hiện không còn quỹ đất để làm sân phơi chung như trước, nếu có cũng chuyển mục đích sử dụng hoặc không được đầu tư nâng cấp. Nhiều gia đình ở khu vực nông thôn cũng xây dựng nhà theo kiểu lô phố, diện tích chỉ 150-200m2/nhà, hầu như không còn nơi để làm sân phơi lúa.

 

CẦN XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH BẢO QUẢN NÔNG SẢN

 

Phú Yên có hơn 128.000ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay chỉ có 3 máy sấy lúa công suất nhỏ đặt tại Trại giống Hòa An và 1 máy do Hợp tác xã Hòa Quang Nam tự đầu tư để làm lúa giống. Nông sản Phú Yên từ hạt tiêu đến trái bắp, hột lúa đều bảo quản theo phương pháp truyền thống là phơi nắng. Trong khi đó, hệ thống sân phơi thiếu, không đủ quy cách, gặp thời tiết xấu, nông sản bị hư hỏng, mất phẩm chất, giá trị là điều dễ hiểu.

 

Thời gian qua, mỗi năm Phú Yên dành một khoản kinh phí không nhỏ để triển khai các đề tài khoa học, nhưng hầu như chưa có đề tài nào quy mô trong lĩnh vực bảo quản nông sản sau thu hoạch. Theo ông Hồ Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Phú Yên, đã đến lúc nên có nhìn nhận, đánh giá đúng hơn vai trò của công đoạn bảo quản nông sản sau thu hoạch. “Điều này thật sự cần thiết nếu chúng ta muốn nâng cao giá trị nông sản phục vụ xuất khẩu. Muộn còn hơn không, đã đến lúc các ngành liên quan cần ngồi lại nhau để xây dựng những chương trình bảo quản nông sản sau thu hoạch một cách bài bản. Làm được điều này cũng là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về phát triển nông nghiệp nông thôn” – ông Phước nói.

 

Ông Nguyễn Như Thức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, nhìn nhận: Lâu nay chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này, lúa bị mưa lên mộng, đậu đỗ bị mọt mối, sắn thối… là thực tế xảy ra nhiều năm nay khi đến mùa thu hoạch nông sản. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, tỉ lệ thất thoát nông sản sau thu hoạch khoảng hơn 10% - một con số không nhỏ(!). Hiện ngành Nông nghiệp Phú Yên cũng đang tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Ông Thức cho hay: “Hiện quỹ đất nông thôn của Phú Yên không còn nhiều, nên chúng tôi không đặt nặng việc đầu tư cho hệ thống sân phơi. Thay vào đó, ngành Nông nghiệp Phú Yên tính đến phương án đầu tư hệ thống máy sấy nông sản. Phương án đầu tư đang được lựa chọn, có thể từ các trung tâm chuyên môn thực hiện trước hoặc có thể thông qua các nhóm hộ gia đình”.

 

Đó là những thông tin khá lạc quan về việc đầu tư cho bảo quản nông sản tại Phú Yên trong tương lai. Song, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực này, điều cần thiết là thay đổi tập quán bảo quản nông sản truyền thống của nông dân, hướng dẫn họ những phương pháp bảo quản hiện đại, hỗ trợ thiết bị cần thiết. Có như vậy, thất thoát nông sản sau thu hoạch sẽ được hạn chế, Phú Yên mới có được những hàng nông sản đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

 

LÊ BIẾT – HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek