Thứ Hai, 07/10/2024 21:28 CH
Khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ:
Nâng sức cạnh tranh để giành thị phần
Thứ Năm, 10/09/2009 14:30 CH

Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có cơ hội “đổ bộ” vào Việt Nam nên sự cạnh tranh càng thêm khốc liệt. Các doanh nghiệp bán lẻ Phú Yên cần nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh và nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nâng cao vai trò của mình trong việc phát triển thị trường bán lẻ.

 

Bia-Tho-Brew-4090910.jpg
Tho’s Brew với sản phẩm bia tươi nấu tại nhà hàng đang hấp dẫn thực khách - Ảnh: M.NGUYỆT

 

ĐA DẠNG SẢN PHẨM, GIẢM GIÁ THÀNH

 

Để kích thích tiêu dùng nội địa có hiệu quả, các doanh nghiệp thương mại Phú Yên cần đảm bảo hàng hóa phong phú, sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, lòng tin của người tiêu dùng. Để thực hiện mục tiêu trên, các doanh nghiệp cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản: Tổ chức lực lượng chuyên trách nắm bắt thường xuyên thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường về sản phẩm, từ đó xây dựng các chương trình để sản xuất nội địa nhằm tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh và phù hợp với điều kiện cụ thể của thị trường hiện tại, đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng thị hiếu và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nên triển khai chương trình liên kết thị trường trong nước nhằm tạo các kênh giao lưu thương mại hàng hóa lớn giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là sản phẩm thế mạnh của Phú Yên như tân dược, bia và nước giải khát, xi măng, thủy sản, đường tinh luyện, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, may mặc sẵn. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm từ khi nhập hàng đến khi tới tay khách hàng cuối cùng.

 

Ngoài ra, giảm giá thành sản phẩm cũng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm kích thích tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thương mại lớn, các nhà sản xuất để mua hàng với số lượng lớn, chi phí và giá thành hợp lý; điều chỉnh bộ máy tổ chức, phương thức quản lý một cách hợp lý nhất nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh để góp phần giảm giá thành sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng. Phát triển mạng lưới kinh doanh là một giải pháp hữu hiệu để kích thích tiêu dùng nội địa, qua đó giới thiệu, phân phối sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển mạng lưới kinh doanh theo hướng: Phát triển hệ thống phân phối theo mô hình chuỗi để mở rộng địa bàn hoạt động, trong đó phân bổ mạng lưới rộng khắp tại những khu trung tâm kinh doanh thương mại, các khu đô thị, khu công nghiệp, các trường học, bệnh viện, thị xã, khu vực tập trung dân cư để tạo sự thuận lợi nhất cho người dân; mở rộng mạng lưới đến các khu vực nông thôn, các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã, khu vực tập trung dân cư hiện chưa được đầu tư khai thác.

 

ban-le090910.jpg

Một cửa hàng bán lẻ của Công ty Cổ phần PYMERPHARCO – Ảnh: N.T

 

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI HIỆU QUẢ

 

Triển khai hiệu quả công tác bán hàng và xúc tiến thương mại sẽ giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Các giải pháp đó là: Cải tạo, nâng cấp và trang trí điểm kinh doanh, đảm bảo văn minh thương mại; hàng hóa trình bày đẹp, phong cách phục vụ tận tình, chu đáo, lịch sự; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm thương mại; đẩy mạnh các hình thức khuyến mại nhằm thu hút sức mua của người tiêu dùng. Phát triển đa dạng hóa các loại hình và phương thức bán hàng như bán hàng tại chỗ, bán hàng giao tận nhà, bán hàng lưu động, thương mại điện tử… Chú trọng xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và tăng cường công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; liên kết với các nhà sản xuất, phân phối khác để hình thành các chương trình khuyến mại với quy mô lớn như “Tháng bán hàng khuyến mại”, “Tuần lễ bán hàng giảm giá”… nhằm kích thích tiêu dùng hàng hóa, giải phóng đầu ra cho sản phẩm.

 

Các doanh nghiệp Phú Yên cần nghiên cứu thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ nhằm giúp các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội, tạo mối liên doanh liên kết, hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu… Các sản phẩm sản xuất tại Phú Yên như quần áo may sẵn, xi măng… không có hoặc rất ít xuất hiện ở thị trường Phú Yên là một thực tế. Để hàng Phú Yên được người Phú Yên tin dùng, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã với giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng hấp dẫn hơn; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tổ chức nhiều hình thức khuyến mại như đưa hàng hóa mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; tặng hàng hóa không thu tiền; bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó; bán hàng kèm theo phiếu may mắn trúng thưởng… Để phát triển nguồn nhân lực thương mại có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp thì cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp cho đội ngũ quản lý, nhân viên bán hàng hiện có, đồng thời có kế hoạch đào tạo mới nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường. Phát triển nguồn nhân lực mới có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ kinh doanh thương mại từ nguồn sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

 

NHÀ NƯỚC CẦN “TRỢ LỰC”

 

Vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường bán lẻ gồm: Xây dựng quy hoạch phát triển thương mại Phú Yên đến năm 2020, trong đó quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn để làm cơ sở tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển lưu thông hàng hóa và mở rộng thị trường nội địa. Tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành thương mại tỉnh nhà. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về địa điểm để phát triển hạ tầng thương mại. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại: Việc định hướng, triển khai, kiểm tra thực hiện cơ chế chính sách của Nhà nước, quản lý thị trường… Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương; đề xuất, kiến nghị với các ngành, các địa phương và UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

 

ĐÀO TẤN CAM

Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek