Thứ Tư, 09/10/2024 11:31 SA
Sống giữa rừng để nuôi rừng
Thứ Hai, 17/08/2009 13:30 CH

Ở chốn hoang vu giữa rừng sâu, họ chấp nhận cuộc sống gian khổ để biến hàng trăm ha đồi tranh thành rừng kinh tế. Hiện nơi này đã hình thành một khu rừng kinh tế xanh bạt ngàn.

 

V13.090817.jpg

Ông Nguyễn Quân đã bám trụ ở vùng 13 xã An Nghiệp (Tuy An) hơn 10 năm nay - Ảnh: H.NAM

 

BIẾN ĐỒI TRANH THÀNH RỪNG KINH TẾ

 

Ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nghiệp, cho biết hơn 300 ha đất hoang hóa bạc màu ở vùng 13 đã được chuyển dần thành rừng kinh tế. Khi rừng ở vùng 13 hình thành trở lại đã tạo được lượng nước đổ về đập ngăn Suối Bướm đủ tưới cho 30ha lúa hai vụ ở xã An Nghiệp mà trước đây chỉ sản xuất một vụ bấp bênh.

15 căn chòi ở vùng 13 xã An Nghiệp (huyện Tuy An) nằm lọt thỏm giữa rừng sâu heo hút. Trang trại của ông Nguyễn Quân rộng 22ha với các loại cây xà cừ, keo lá tràm, bạch đàn đỏ… được bố trí khá bài bản. Hàng ngàn cây xà cừ vươn cao xung quanh, giữa trang trại những đám sắn trồng xen kẽ với bạch đàn, chếch về phía tây rừng cây keo lá tràm xanh mượt. Trước đây, khu vực này là những cánh rừng đầy lau lách, ông Quân mua lại từ những người đã khai phá trồng mía, sau đó bỏ hoang do đất bạc màu. Những ngày đầu đến khu rừng này, anh nạy từng hòn đá to bằng cái bàn, vã mồ hôi đào lỗ trồng rừng. Ông Quân nói: “Trước đây cực khổ, bây giờ màu xanh của rừng đã phả vào lòng tôi một cái gì đó thật là da diết, trở thành máu thịt rồi!”.

 

Bà Nguyễn Thị Nga là một trong những phụ nữ đã tham gia biến vùng đất bạc màu trên trở thành rừng xanh. Chồng bà Nga tham gia công tác địa phương nên một mình bà trèo đèo vượt suối đến nơi này. Bà Nga kể lúc đầu bà chọn khu đất triên (đất có độ dốc) trồng mía, sau khi thu hoạch lá mía ủ mục, bà Nga trồng cây vào. Bà tiếp tục trồng mía khoảnh đất còn lại và cứ thế sau vài năm màu xanh “chảy” từ đồi cao xuống trũng thấp, lấp kín cả trang trại. Bà Nga nói ban đầu quá vất vả, nhiều lần chồng bà bảo bỏ rừng về xuôi nhưng bà quyết ở lại; cuối tuần chồng bà cũng phải “cõng” thức ăn lên rừng. Hiện nay, khu rừng kinh tế của bà Nga có giá trị 70-80 triệu đồng.

 

LẤY RỪNG NUÔI RỪNG          

 

Hầu hết những người trồng rừng ở vùng 13 xã An Nghiệp đều “lấy ngắn nuôi dài”, họ sử dụng những khoảnh đất còn tươi xốp khai khẩn đất trồng sắn, mía rồi tận dụng nguồn nước ở khe lạch đắp bờ trồng lúa, đào ao thả cá, xung quanh trồng cỏ, chăn bò. Tất cả nguồn doanh thu này đều làm vốn nuôi rừng. Ông Nguyễn Văn Mai (quê ở xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, hiện là dân cư vùng 13) kể: Cách đây 10 năm, ông mang 5 kg gạo trên vai, dắt theo con nghé cái, vòng theo đường rừng đến vùng 13 lập nghiệp. Ban đầu, ông Mai chủ yếu trồng mía, chỗ nào đất xấu thì trồng các loại cây bạch đàn, keo lá tràm, đào lộn hột… Khi cây mía bấp bênh, ông Mai chuyển sang trồng rừng và hiện ông đang sở hữu trang trại rừng kinh tế rộng 5 ha. Để có vốn, ông Mai trồng xen canh sắn, nuôi bò. Khi có vốn từ bò sinh sản, thu hoạch sắn, hằng năm ông thuê công phát dọn để trồng rừng. Trang trại của ông Thọ (quê ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) nằm đầu đường vùng 13, rộng 10ha. Lúc mới đến thấy đất rộng, ông Thọ ham làm đến mức cuốc đất trồng cây luôn trưa. Ông Thọ nói: “Khi trồng mía không còn hiệu quả, nhiều người bỏ đi. Thấy vậy, tôi vào mua hết để trồng sắn, chăn bò”. Hiện nay, ông Thọ có 10 con bò, 5ha sắn; hàng năm nguồn thu được từ bò, sắn ông Thọ gởi về cho con ăn học, còn lại ông đầu tư vào trồng rừng. 

 

Hầu hết những người sống ở khu rừng vùng 13 đều đã quen với sự đơn độc. Những người trong khu rừng này có khi cả tháng trời không thấy mặt nhau, vì các trại cách nhau hàng cây số, hơn nữa ai cũng lo công việc của mình. Ông Năm Xuân, một người đã bám trụ ở vùng này đã lâu, nói: “Tôi với chị Nga ở đây cả năm đâu có gặp mặt. Công việc mạnh ai nấy làm, một mình lo loay hoay trong trang trại rộng lớn, có khi cả ngày không nghe một tiếng người”. Suốt mùa mưa, họ ở lại giữa rừng để giữ rừng. Thức ăn từ mùa nắng đến mùa mưa chỉ có nước mắm, cá khô vì đường đi từ vùng 13 xuống đến chợ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) hơn 5 cây số đèo dốc đứng. Cứ vậy họ vẫn bám rừng rẫy của mình.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek