Hiện nay, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đang triển khai thực hiện Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về Quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn (NTAT). Theo đó, Chi cục phổ biến về quy định: Vùng NTAT là vùng nuôi tôm có 100% số cơ sở nuôi tôm trong vùng áp dụng “quy phạm thực hành nuôi tốt” (GAP) hoặc “quy phạm nuôi có trách nhiệm (CoC), trong đó có ít nhất 80% số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở NTAT và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vùng nuôi tôm đạt tiêu chuẩn GAP hoặc CoC (gọi chung là Giấy Chứng nhận vùng NTAT). Quản lý vùng và cơ sở NTAT là những hoạt động hướng dẫn xây dựng, duy trì vùng, cơ sở NTAT và các hoạt động kiểm tra, công nhận vùng và cơ sở NTAT.
Việc phát triển vùng NTAT chỉ được thực hiện trong phạm vi đất nuôi trồng thủy sản đã được quy hoạch dành cho nuôi tôm và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch chi tiết vùng NTAT phải đảm bảo đủ hệ thống cấp, thoát nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tránh lây nhiễm bệnh giữa các ao trong vùng nuôi hoặc từ vùng này sang vùng khác, đảm bảo có các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội đáp ứng yêu cầu NTAT. Việc quản lý môi trường vùng NTAT đối với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh được thực hiện theo quy định tại Quy chế Quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung (ban hành kèm theo Quyết định số 04/2002/QĐ-BTS của Bộ trưởng Bộ Thủy sản); việc quản lý môi trường đối với vùng nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến và quảng canh thực hiện theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để đảm bảo NTAT, địa phương có vùng nuôi tôm (trong đó có từ hai cơ sở nuôi tôm trở lên) muốn đăng ký vùng NTAT phải thành lập Ban quản lý (BQL) vùng nuôi tôm. BQL này có nhiệm vụ thống nhất quản lý trong vùng nuôi tôm về việc áp dụng GAP hoặc CoC theo quy định của Bộ Thủy sản. BQL được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của BQL vùng nuôi tôm. Chủ cơ sở nuôi tôm phải đăng ký kinh doanh nuôi tôm theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản. Chủ cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo cho cơ sở có đủ điều kiện về vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thú y. Nơi đã đăng ký là cơ sở NTAT phải áp dụng GAP hoặc CoC theo quy định của Bộ Thủy sản và các quy định khác có liên quan. Trong trường hợp cùng một chỉ tiêu nhưng GAP hoặc CoC có quy định khác với quy định của tiêu chuẩn ngành trước đây hoặc quy chuẩn kỹ thuật của ngành thì áp dụng theo quy định của GAP hoặc CoC. Chủ cơ sở nuôi tôm tham gia thành lập BQL phải chịu sự chỉ đạo của BQL về nội dung và phương pháp áp dụng GAP hoặc CoC trong vùng nuôi tôm.
Quyền của BQL vùng nuôi tôm và chủ cơ sở nuôi tôm: Ngừng hoạt động nuôi tôm đến 250 ngày liên tục không phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi BQL hoặc chủ cơ sở đã đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thủy sản; được đăng ký áp dụng GAP hoặc CoC với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được đào tạo, hướng dẫn thực hành GAP hoặc CoC; được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật; quyền của BQL vùng NTAT và chủ cơ sở nuôi NTAT. BQL yêu cầu Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản hoặc cơ quan quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản cấp tỉnh ghi tên vùng, cơ sở NTAT của mình vào danh sách các vùng và cơ sở NTAT. Quảng bá vùng, cơ sở NTAT của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích các địa phương có vùng nuôi tôm thành lập Quỹ dân lập Hỗ trợ rủi ro trong nghề nuôi tôm để hỗ trợ lẫn nhau trong việc phòng ngừa dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và những rủi ro khác trong nghề nuôi tôm. Việc xây dựng Quỹ cần được bàn bạc dân chủ, trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong vùng nuôi.
Lộ trình áp dụng việc đăng ký và cấp Giấy Chứng nhận vùng, cơ sở NTAT, từ ngày 1-7-2007: cơ sở nuôi tôm thuộc diện các dự án nuôi tôm được Nhà nước đầu tư hoặc dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài; dự án nuôi tôm lớn thuộc diện phải xin phép đầu tư; cơ sở nuôi tôm thâm canh được xây dựng sau ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.
NGUYỄN VĂN DO
Các vùng nuôi tôm ở cửa sông Đà Nông (huyện Đông Hòa) cần thực hiện “qui phạm nuôi có trách nhiệm”. N.LƯU