Trong khi vụ sai phạm tại công trình hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hòa (còn gọi là kè Bạch Đằng) đang tiến hành điều tra thì các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện những sai phạm tương tự tại công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà)ø. Dự án này cũng do chính Ban Quản lý các dự án thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ đầu tư, Công ty Tư vấn, chuyển giao công nghệ Hà Nội (Đại học thủy lợi Hà Nội) làm tư vấn giám sát và mở thầu, chấm thầu cùng ngày với dự án kè Bạch Đằng. Một số “nhân vật” chủ chốt trong vụ sai phạm này đã bị khởi tố, bắt giam trong vụ án kè Bạch Đằng.
Bờ kè phía bắc của công trình chỉnh trị Đà Nông bị nước cuốn trôi – Ảnh: ĐỨC THÔNG
Dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông là công trình trọng điểm của Phú Yên với dự toán ban đầu 30,3 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là thoát lũ, chống úng cho hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt cho khu vực dân cư các xã phía nam huyện Đông Hòa, chống ngập lụt cho Quốc lộ 1A; đồng thời công trình còn cung cấp nước mặn cho trên 1.000 ha vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch, đảm bảo an toàn cho hơn 500 tàu thuyền ra vào cửa sông, hình thành bến bãi cho tàu thuyền trú bão, góp phần tạo cơ sở hạ tầng phục vụ khu công nghiệp Hòa Hiệp. Dự án được triển khai từ tháng 4-2002, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2004. Trong quá trình thi công đã xảy ra nhiều sự cố như sạt lở, phát sinh kinh phí nên ngày 23-6-2005, UBND tỉnh Phú Yên quyết định tăng kinh phí đầu tư thêm cho dự án hơn 11,4 tỉ đồng song đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành.
Những sai phạm của công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông xảy ra tại gói thầu số 4 với hai hạng mục chính là xây dựng kè bảo vệ bờ bắc và đào lạch sông mới do Công ty 520 thi công. Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng, trong quá trình thi công gói thầu này, chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án thủy lợi, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Tư vấn- chuyển giao công nghệ Hà Nội, đơn vị thiết kế là Công ty Xây dựng- chuyển giao công nghệ thủy lợi (Viện Khoa học thủy lợi) và nhà thầu thi công đã thông đồng làm sai với thiết kế được duyệt để rút bớt vật tư. Chẳng hạn, tại đoạn một của kè bảo vệ bờ bắc, theo thiết kế các cọc cừ bê tông cốt thép dài 16m với 8 cây thép loại 25mm, song khi thi công đã rút bớt 4 cây thép, chiều dài các cây thép còn lại chỉ dài 12m và 4m và chỉ sử dụng loại thép 16mm. Các cọc cừ của đoạn hai bờ này cũng bị rút bớt thép, thay vì phải làm 8 cây thép loại 25mm như thiết kế, đơn vị thi công chỉ làm 4 cây loại 25mm và 4 cây loại 18mm. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định tổng số sắt bị rút hơn 16 tấn, cùng với những vật liệu khác, gói thầu này mất hơn 1 tỉ đồng. Cũng theo cơ quan điều tra, các gói thầu còn lại cũng có dấu hiệu sai phạm.
Sau khi thi công gian dối như trên, các bên đã thông đồng ba lần tự ý thay đổi thiết kế so với thiết kế đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Cụ thể, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án thủy lợi, đại diện tư vấn giám sát là ông Mai Trọng Oánh, cán bộ Công ty Tư vấn, chuyển giao công nghệ Hà Nội, đại diện đơn vị thiết kế là ông Nguyễn Thành Trung, cán bộ Công ty Xây dựng- chuyển giao công nghệ thủy lợi và đơn vị thi công là ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty 520 đã cùng nhau làm các biên bản xử lý kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công. Cơ quan chức năng khẳng định đây là những biên bản xử lý kỹ thuật không có giá trị, chỉ nhằm hợp thức hóa việc thi công gian dối vì trái với thiết kế đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Chỉ có UBND tỉnh mới có thẩm quyền phê duyệt thay đổi thiết kế. Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, sau khi vụ sai phạm tại công trình kè Bạch Đằng được khởi tố, các bên liên quan trong dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ để che dấu sai phạm.
TẤN LỘC