Thứ Năm, 10/10/2024 21:20 CH
Chậm triển khai dự án trồng cây kiểng xuất khẩu:
Lãng phí đất, dân khó khăn
Thứ Ba, 28/07/2009 14:30 CH

Dù được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2005 song đến nay dự án trồng cây kiểng xuất khẩu trên địa bàn hai xã An Phú (TP Tuy Hòa), An Chấn (huyện Tuy An) vẫn chưa triển khai. Sự chậm trễ này khiến cả trăm ha đất trồng cây màu bị bỏ hoang hoặc sản xuất cầm chừng, đời sống của hàng trăm người dân lâm vào khó khăn.

 

CAY-KIENG1.090728.jpg

Đất trong vùng dự án trồng cây kiểng xuất khẩu chỉ sản xuất theo kiểu “da beo” và bỏ hoang trong mấy năm qua - Ảnh: N.LƯU

 

KHỔ VÌ DỰ ÁN “TREO”

 

Ông Lê Tấn Anh ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, vừa tưới nước xong đám rau ngò, chỉ tay về phía cánh đồng trống mênh mông nói với chúng tôi: “Đây là xứ đồng Gò Me, cây Quăn, Bà Bản, Giếng Mạch, đồng Ông Sáu, Bà Hẹn… chuyên trồng cây công nghiệp và sản xuất hoa màu quanh năm mang lại nguồn thu chính cho hàng trăm hộ nông dân. Tuy nhiên, mấy năm qua phần lớn các hộ dân ở đây đành bỏ ruộng vì chính quyền địa phương đã đo đạc, thu hồi đất để thực hiện dự án trồng hoa cây kiểng xuất khẩu. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai và chưa hỗ trợ, đền bù xong cho dân. Sự chậm trễ này đang làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con nông dân”. Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, phần đất những hộ đã nhận tiền đền bù nằm lẫn trong phần đất của những hộ chưa nhận tiền. Và nhiều hộ đã nhận tiền đền bù đã bỏ trống ruộng, chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác, còn những hộ chưa nhận tiền đền bù thì vẫn bám ruộng và sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu “da beo” và bị chuột cắn phá, bò giậm hư hại, không mang lại hiệu quả kinh tế.

 

Việc kéo dài thời gian chi trả tiền đền bù làm cho hàng trăm hộ trong vùng dự án lâm vào cảnh khó khăn. Ông Đỗ Thanh Hồng, 58 tuổi, ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn đưa cho chúng tôi xem bảng kê chi tiết về giá đền bù trên diện tích đất 3.482 m2 với số tiền hơn 91 triệu đồng, cộng với tiền hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi nhân khẩu cho năm người trong gia đình là 11,5 triệu đồng. Tổng cộng gia đình ông Hồng được nhận hơn 102 triệu đồng. Thế nhưng đến nay tiền vẫn còn nằm trên giấy và cả gia đình ông sống dựa vào 3 sào ruộng. Cùng tình cảnh như ông Hồng, gia đình ông Nguyễn Văn Năm cũng bị thu hồi 3.169m2 đất, đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù hơn 86 triệu đồng và năm miệng ăn trong gia đình chỉ biết dựa vào 2 sào lúa nước. Hàng ngày, ông phải xuống vùng biển Mỹ Quang xin đi “bạn” trên tàu của ngư dân để kiếm sống.

 

Theo nhiều nông dân, thực tế canh tác trên vùng đất này vẫn đem lại thu nhập khá,  bởi 83% diện tích trong số hơn 120 ha đất nằm trong diện thu hồi là đất trồng cây hàng năm. Thế nhưng, giá trị bồi thường không sát với giá thị trường nên vẫn còn nhiều hộ chưa đồng ý nhận tiền. Bà Lê Thị Hồng Anh, một người dân đang bán dưa bên lề đường quốc lộ 1A, ngay tại vùng đất của dự án cho biết: “Ngoài trồng lúa vụ 12, bà con còn trồng luân canh các loại cây hoa màu như đậu, dưa, hành, ngò, tỏi với thu nhập khá. Ví như mỗi vụ trồng dưa, tôi thu nhập 7 triệu đồng/sào, còn trồng ngò thì mỗi kilôgam giống có thể lời 1,5 triệu đồng. Tính về lâu dài, người dân  có công ăn việc làm ổn định trên đồng ruộng của mình và có thu nhập cao hơn so với tiền đền bù đất”. Còn ông Lê Tấn Anh thì bức xúc: “Diện tích gia đình tôi bị thu hồi trên 900 m2 là đất hai vụ nhưng tiền đền bù chỉ hơn 27 triệu đồng, tính ra chỉ có 30 nghìn đồng/m2 là không hợp lý. Đó là chưa kể đến việc đo đạc diện tích thực tế thấp hơn so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 20 m2. Do đó tôi chưa đồng ý nhận tiền đền bù”.

 

BAO GIỜ HẾT “TREO” DỰ ÁN?

 

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên lần thứ 14 diễn ra từ ngày 7 đến 9/7, đại biểu Phạm Thị Thuỳ Lê (Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An) đã bức xúc phản ảnh: “Dự án trồng cây kiểng xuất khẩu đã bàn giao đất cho chủ đầu tư trên hai năm nay, nhưng việc đền bù quá chậm; hiện vẫn còn trên 320 hộ với số tiền bồi thường hơn 17 tỉ đồng vẫn chưa thực hiện. Nhà đầu tư hứa sẽ đền bù trong tháng 5 và 6/2009, thế nhưng đến nay vẫn “bình chân như vại”! Người dân chưa được đền bù vẫn không dám sản xuất trên phần đất của mình; đồng thời chủ đầu tư cũng chưa thực hiện dự án này. Đây là một sự lãng phí lớn”.

 

cay-kieng.090728.jpg

Nông dân xã An Chấn (huyện Tuy An) sản xuất cầm chừng vì dự án “treo” – Ảnh: N.LƯU

 

Theo báo cáo số 01 của Hội đồng bồi thường hỗ trợ - giải phóng mặt bằng (BTHT-GPMB) nguyên nhân bồi thường chậm của dự án trồng cây kiểng xuất khẩu là do Công ty TNHH Tứ Thiện (đơn vị chịu trách nhiệm đo đạc) chưa phối hợp chặt chẽ với UBND xã An Chấn trong công tác đo đạc, quy chủ dẫn đến sai sót nhiều và thời gian thực hiện bồi thường kéo dài; sự phối hợp giữa các cấp, ngành cũng chưa được chặt chẽ trong việc giải quyết nhưng vấn đề liên quan đến dự án. Chủ đầu tư không thực hiện đúng theo kế hoạch chi trả tiền bồi thường cho dân. Trong quá trình triển khai công tác BTHT-GPMB dự án có nhiều đơn thư khiếu nại của dân; việc đo đạc diện tích trên thực tế để bồi thường thấp hơn diện tích đất được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ đầu tư chưa có sự thống nhất phương án bồi thường, di dời cây xăng Trung Nga và chưa có phương án xây dựng Nghĩa trang mới để di dời mộ nằm rải rác trong vùng dự án…

 

Khu vực dự án có đến 83% (trong tổng số hơn 120 ha) diện tích đất chủ yếu trồng cây hàng năm, nhưng việc thu hồi đất, bồi thường không được thực hiện liên tục trong khoảng thời gian nhất định, gây khó khăn cho việc canh tác của người dân…

 

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng chủ đầu tư sớm giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện dự án trồng cây kiểng xuất khẩu, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ theo quy định, nhằm ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi.

 

Dự án trồng cây kiểng xuất khẩu với quy mô diện tích khoảng 130 ha đất thuộc địa bàn xã An Phú (TP Tuy Hoà) và An Chấn (huyện Tuy An), trong đó chủ yếu là xã An Chấn với hơn 120 hecta. Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư phải bồi thường đất, hoa màu và tài sản khác trên đất (đợt 1) cho 566 hộ để thu hồi hơn 120 ha đất, với kinh phí gần 28,8 tỉ đồng. UBND huyện Tuy An đã có báo cáo số 1292 đề nghị chủ đầu tư phải thực hiện chi trả tiền bồi thường cho dân đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2008. Thế nhưng, đến thời điểm này, chủ đầu tư mới chi trả tiền bồi thường được hơn 10,8 tỉ đồng cho 241 đối tượng.

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek