Thứ Sáu, 11/10/2024 01:20 SA
Bảo tồn, khai thác tài nguyên rạn san hô:
Cần nhanh chóng có giải pháp
Thứ Năm, 23/07/2009 13:30 CH

Tại Phú Yên, lần đầu tiên có đề tài điều tra đánh giá thực trạng hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ với sự hỗ trợ của chương trình SEMLA. Những cảnh báo về suy giảm của nhiều vùng rạn san hô đặt ra vấn đề cần phải có giải pháp nhanh chóng bảo tồn và phát triển dạng tài nguyên biển này.

 

san-ho.090723.jpg

San hô ở vùng biển Phú Yên - Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang

 

TÀI NGUYÊN RẠN SAN HÔ PHÚ YÊN

 

Theo kết quả điều tra của Viện Hải dương học Nha Trang mới đây, vùng biển ven bờ của tỉnh Phú Yên có diện tích rạn san hô trên 300 ha, trong đó phía ngoài đầm Cù Mông (Sông Cầu) có hơn 15 ha; vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận có 66 ha; An Hải - An Chấn có 167,2 ha và Vũng Rô - Hòn Nưa có 54,3 ha. Rạn san hô có diện tích lớn nhất ở cù lao Mái Nhà - An Hải (42,4ha), Hòn Chùa - An Chấn (32,7 ha), Bãi Gò - An Chấn (39,4 ha). Hầu hết những rạn san hô này chỉ ở sâu dưới 10m, có kiểu cấu trúc rạn riềm, ưu thế thuộc dạng san hô mềm, tỉ lệ độ che phủ của san hô cứng chỉ chiếm 18,7% với 151 loài. San hô sống từ trung bình đến rất tốt ven biển Phú Yên chiếm tỉ lệ 15,3%, thấp hơn nhiều so với vịnh Nha Trang (26,4%), Cù lao Chàm (31,8%). Qua phân tích tính đa dạng loài và hình thái rạn cho thấy rạn san hô vùng biển ven bờ Phú Yên thuộc về khu hệ Trung Trung Bộ, tương đồng với rạn san hô ở Cù lao Chàm (Quảng Nam).

 

Rạn san hô vùng biển ven bờ là môi trường thuận lợi cho nhiều loại thủy đặc sản cư trú, sinh sản tạo nên nguồn lợi thủy sản hết sức phong phú. Tại các vùng rạn san hô biển Phú Yên đã phát hiện 256 loài thực vật phù du, 43 loài động vật phù du, 52 loài rong biển, 7 loài cỏ biển, 211 loài cá thuộc 39 họ, 101 loài động vật không xương sống thuộc 40 họ. Tại các vùng rạn san hô đều có các loài thủy đặc sản có giá trị như: tôm hùm, tôm sao, mực, cá giò, cá dìa, cá mú, ốc bàn tay… Sản lượng khai thác tôm hùm giống cao nhất tại An Chấn với 131.800 con/năm; mực đạt sản lượng cao nhất tại Lao Mái Nhà với 3,6 tấn/năm; Vũng La có sản lượng cá giò, cá dìa khai thác nhiều nhất, đạt sản lượng 121tấn/năm; cá cơm, cá nục cũng được coi là đặc sản của Lao Mái Nhà với sản lượng khai thác 30 tấn/năm. Tại An Chấn, giá trị khai thác nguồn lợi thủy sản liên quan đến rạn san hô lên đến gần 12 tỉ đồng/năm.

 

Rạn san hô không chỉ có chức năng là bãi ương giống thủy sản tự nhiên để duy trì nguồn lợi thủy sản mà còn là vùng đệm tránh gió bão, chống xói lở bờ biển. Bên cạnh nguồn lợi thủy sản được duy trì, rạn san hô với nhiều hình dạng, màu sắc và trạng thái của sinh vật nên có vẻ đẹp hiếm thấy, là nguồn lợi to lớn phục vụ giải trí và du lịch. Nhiều nơi đã tổ chức cho du khách lặn, khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của rạn san hô, làm phong phú hoạt động du lịch biển.

 

QUẢN LÝ, KHAI THÁC BỀN VỮNG HỆ SINH THÁI RẠN SAN HÔ

 

Hệ sinh thái rạn san hô vùng ven biển Phú Yên đang chịu tác động mạnh do sự khai thác quá mức. Nhiều loài sinh vật đáy có giá trị thương mại và vai trò sinh thái cao không còn xuất hiện như ốc tù, ốc đụn cái. Nhiều lão ngư ở An Chấn cho biết, Bãi Xép, Bãi Súng (Hòn Chùa) là nơi trước kia đồi mồi, đú thường xuyên lên đẻ trứng nhưng nay hiếm khi bắt gặp. Qua tham vấn cộng đồng cho thấy, nguồn lợi thủy sản ở hầu hết các vùng rạn đều suy giảm mạnh. Ở khu vực Lao Mái Nhà, nguồn lợi thủy sản giảm 60- 70%, khu vực An Chấn giảm 80 - 90% so với 10 năm trước đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản là sự suy thoái của rạn san hô. Nhiều rạn san hô bị chết do rong vôi bao phủ với mật độ dày như bãi Từ Nham, Hòn Chùa. Ở khu vực Bãi Nồm, Vũng La, Hòn Nưa, san hô bị chết do sao biển gai, ốc gai ăn hại. Những nơi gần bờ hoặc trong các vùng vịnh như bãi Hòn Thùng (cửa vịnh Xuân Đài), Hòn Yến, xuất hiện hiện tượng san hô chết hàng loạt do lắng đọng trầm tích. Tác động trực tiếp của con người như đánh bắt bằng chất nổ, neo đậu tàu thuyền làm đổ gãy, khai thác san hô tùy tiện để nung vôi làm vật liệu xây dựng cũng là những nguyên nhân làm suy giảm rạn san hô ở nhiều vùng biển Tuy An, Sông Cầu.

 

Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn (Viện Hải dương học Nha Trang) cho biết: Trước đây, người ta chưa chú trọng bảo tồn đúng mức tài nguyên san hô. Ngày nay, tài nguyên san hô được đánh giá theo quan điểm hệ sinh thái, nghĩa là không chỉ đơn thuần định giá giá trị hàng hóa mà bao gồm các giá trị dịch vụ khác như đa dạng sinh học, cung cấp dinh dưỡng cho nghề cá, bảo vệ vùng bờ, giải trí, nghiên cứu và giáo dục. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, giá trị của rạn san hô mang lại từ 31.900 - 113.000 USD/năm đối với mỗi km2 nếu được bảo vệ, khai thác hợp lý. Các nước phát triển xem rạn san hô như là tài nguyên mang giá trị văn hóa tinh thần, sử dụng chủ yếu vào lĩnh vực du lịch, giải trí, thẩm mỹ. Trong khi đó, các cộng đồng dân cư ven biển ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, coi rạn san hô là nơi khai thác những nguồn lợi trực tiếp nhằm duy trì cuộc sống hàng ngày; việc sử dụng vào du lịch giải trí chỉ mới bắt đầu. Tuy đánh giá còn có mặt khác nhau nhưng các quốc gia đều nhận thức được giá trị san hô là một dạng tài nguyên biển quan trọng đối với các nước nhiệt đới. Vì vậy việc quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên rạn san hô đều được các quốc gia đặt ra và đã có những chương trình đầu tư bảo tồn, phát triển nguồn lợi mang tầm quốc tế, quốc gia vì mục tiêu phát triển bền vững.

 

Cũng theo tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, trong các giải pháp bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rạn san hô đối với Phú Yên trong điều kiện hiện nay, cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư ven biển; vận động họ tham gia quản lý bảo tồn, có quy chế khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý, ngăn chặn các nghề khai thác có tính hủy diệt ảnh hưởng đến chất lượng vùng rạn. Về lâu dài, tỉnh cần có quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phục hồi, phát triển hệ sinh thái và nguồn lợi vùng rạn với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương. Gắn du lịch với quản lý rạn san hô là mô hình bảo tồn đang được áp dụng ở nhiều vùng biển Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc. Đây là những kinh nghiệm có thể áp dụng tại những khu vực quy hoạch phát triển du lịch như An Chấn - An Hải, Hòn Nưa.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek