Thứ Bảy, 12/10/2024 15:24 CH
Để quan trắc môi trường hoạt động hiệu quả
Thứ Năm, 25/06/2009 19:00 CH

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa có quyết định thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường nhằm tăng cường nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường. Để quan trắc môi trường hoạt động hiệu quả cần có sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.

 

quan-trac-MT-090625.jpg

Quan trắc môi trường lưu động: lấy mẫu nước tại điểm cố định - Ảnh: N.T

 

THIẾU NGUỒN NHÂN LỰC, THIẾT BỊ LẠC HẬU

 

Để quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường có hiệu quả, điều cần thiết đầu tiên là phải có những thông tin về chất lượng môi trường. Công tác quan trắc môi trường ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đó, như một công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường. Hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường được hình thành, vận hành đúng quy định sẽ đánh giá được diễn biến chất lượng môi trường, các tác động môi trường trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, từ đó kịp thời cảnh báo những vấn đề phát sinh có thể gây ô nhiễm môi trường, giúp cấp quản lý đưa ra giải pháp khắc phục.

 

Đối với nước ta, hệ thống quan trắc môi trường quốc gia được thiết lập từ năm 1995, song ở Phú Yên chưa có trạm quan trắc môi trường quốc gia nên công tác quan trắc môi trường ở Phú Yên gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bước đầu Phú Yên cũng đã hình thành mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh tại 81 điểm, chủ yếu quan trắc môi trường không khí, môi trường nước mặt với tần suất hai lần mỗi năm. Mạng lưới quan trắc môi trường không khí của Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Yên đặt tại các “điểm nóng ô nhiễm” như khu công nghiệp Hòa Hiệp, khu công nghiệp Đông bắc Sông Cầu, cảng cá Dân Phước, ngã ba Thị trấn Chí Thạnh - quốc lộ 1A,  ngã ba Cây Bảng, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa)… đã cung cấp thông tin về chất lượng môi trường giúp cho ngành chức năng đưa ra những biện pháp quản lý cần thiết để phòng ngừa, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Phú Yên. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Trung tâm Phát triển công nghệ môi trường TP Hồ Chí Minh, mạng lưới quan trắc môi trường ở Phú Yên chưa cân đối giữa các vị trí và thành phần môi trường như số điểm quan trắc môi trường về nước ngầm, nước biển ven bờ, đất, đa dạng sinh học còn ít, thiếu, tần suất quan trắc thấp, nên việc đánh giá chất lượng môi trường chưa đầy đủ, đúng thực chất. Trong khi đó, mặc dù Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Yên được trang bị một số phương tiện kỹ thuật đo nhanh các thông số môi trường, nhưng thiết bị lạc hậu có số lượng chỉ tiêu hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước ta. Mặt khác, phòng thí nghiệm cũng chưa chuẩn hóa, hoạt động chưa đúng quy trình; nhân lực phục vụ cho công tác quan trắc môi trường thiếu cán bộ khoa học… Những tồn tại trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường ở Phú Yên.

 

NHU CẦU BỨC THIẾT

 

Khi nguy cơ ô nhiễm môi trường càng gia tăng, mạng lưới quan trắc môi trường ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc giám sát, theo dõi biến động, đánh giá xu thế biến đổi môi trường nhằm đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường phù hợp. Tại hội thảo về quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, thạc sĩ Đỗ Quốc Bảo, chuyên gia Trung tâm Công nghệ môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường rất tốn kém, song việc bảo đảm kinh phí hoạt động ổn định, hiệu quả, cho phép phát huy tối đa trang thiết bị kỹ thuật sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, do yêu cầu giải quyết nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà các tỉnh, thành đều quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đối với Phú Yên, hệ thống quan trắc môi trường xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ mà trọng tâm là phải giám sát được chất lượng không khí, chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước ven bờ, chất lượng đất. Mặt khác, nguồn gây ô nhiễm và các chất ô nhiễm rất đa dạng nên khi quan trắc, giám sát các thông số đặc trưng như giám sát chất lượng không khí đô thị, lưu ý các thông số về bụi và SO2; đối với KCN cần giám sát các thông số CO, NO2, H2S, NH3, giám sát chất lượng nước mặt cần quan tâm quan trắc các thông số độ pH, oxy hòa tan, chất rắn lơ lửng, các chất kim loại thường có trong vùng…

 

Ông Chế Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Phú Yên, cho rằng: Hiệu quả của hệ thống quan trắc môi trường chỉ phát huy khi được đầu tư đồng bộ thiết bị, nhân lực có chuyên môn. Đối với Phú Yên, Trung tâm Quan trắc môi trường được thành lập có nhiệm vụ xây dựng, thực hiện chương trình phân tích quan trắc môi trường, báo cáo hiện trạng môi trường trên địa bàn Phú Yên. Tuy nhiên, với thiết bị quá cũ, lực lượng cán bộ khoa học phục vụ cho hoạt động quan trắc môi trường thiếu, yếu về chuyên môn sẽ ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của hoạt động quan trắc môi trường. Các giá trị quan trắc thiếu chính xác sẽ chưa đủ độ tin cậy làm cơ sở phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường của địa phương. Đây là những thách thức đang đặt ra đối với hoạt động quan trắc môi trường nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung của Phú Yên hiện nay.

 

Cần thiết lập ít nhất 151 điểm quan trắc môi trường

 

Theo đề xuất của Trung tâm Công nghệ môi trường TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2009- 2015, Phú Yên cần thiết lập ít nhất 151 điểm quan trắc môi trường bao gồm 41 điểm quan trắc môi trường không khí, 41 điểm quan trắc môi trường mặt nước sông, 4 điểm quan trắc môi trường mặt nước hồ, 10 điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ, 17 điểm quan trắc môi trường nước ngầm, 38 điểm quan trắc môi trường đất. Vị trí đặt các điểm quan trắc môi trường mang tính đại diện cho khu vực được xác định tính chất môi trường theo tiêu chí của Bộ Tài nguyên- Môi trường phải có điểm “nền”, điểm “tác động”, điểm “chịu tác động”. Chẳng hạn, quan trắc nước mặt sông Kỳ Lộ, điểm nền đặt tại đầu nguồn với vị trí phía sau hồ Phú Hội, xã Xuân Phước (Đồng Xuân); điểm tác động đặt tại cầu sắt La Hai, có vị trí nơi cuối nguồn thải Nhà máy đường Đồng Xuân và đầu nguồn Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân; điểm chịu tác động có vị trí đặt phía sau xả thải Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân. Với các điểm quan trắc được thiết lập như vậy, qua thông số đo được sẽ xác định được nguồn gây ô nhiễm, chất gây ô nhiễm của từng khu vực trên sông Kỳ Lộ.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek