Thứ Năm, 28/11/2024 23:40 CH
Quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản linh hoạt theo nhu cầu thị trường
Thứ Tư, 24/05/2006 13:28 CH

Liên tiếp từ năm 2001 đến nay, các vùng nuôi tôm sú tập trung ở Phú Yên bị dịch bệnh tràn lan do môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, mỗi năm có hơn 80% người nuôi tôm bị lỗ nặng. Thế nhưng việc đầu tư khôi phục đồng tôm hoặc chuyển đổi đa dạng hóa các đối tượng nuôi khác vẫn đang gặp nhiều lúng túng! Làm thế nào xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững lâu dài? Báo Phú Yên đã trao đổi với tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên xung quanh vấn đề này.

 

CẦN THAY ĐỔI “HỘI CHỨNG TÔM SÚ”

 

* Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý qui hoạch các vùng nuôi tôm không theo kịp thực tế, bà nghĩ như thế nào?

 

060524-tom-O-Loan.jpg

Nuôi tôm hồ hở ở đầm Ô Loan dễ gây ra dịch bệnh lây lan - Ảnh: N.Lưu

- Đúng vậy, thực tế ở các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư, qui hoạch đúng hướng, tình trạng sản xuất tự phát trong dân rất cao. Điều này dẫn đến hệ quả là phong trào nuôi tôm phát triển thiếu căn cơ, sản xuất thiếu tập trung theo vùng, mùa vụ, gây khó khăn trong quản lý, kiểm soát. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm còn yếu, nên hiệu quả kém và không đảm bảo môi trường an toàn cho nuôi tôm.

 

* Tại sao đến nay ngành thủy sản vẫn chưa thể tìm ra các giải pháp để giúp dân đầu tư khôi phục lại các cánh đồng nuôi tôm?

 

- Thật ra, mấy năm nay ngành thủy sản đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời xây dựng phương án sản xuất cho từng tiểu vùng, thời vụ, thông báo bệnh mới phát sinh để người nuôi tôm dập bệnh, hạn chế lây lan, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tuân thủ mùa vụ, xả nước hồ tôm bệnh ra ngoài… Ngoài ra, ngành còn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, vận động bà con làm mô hình, chuyển đổi nuôi một số loài thủy sản như cua, ghẹ, rô phi, cá mú… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao. Hiện nay, việc nuôi các đối tượng thủy sản khác đảm bảo ổn định, nhưng thu lãi thấp hơn nhiều so với tôm sú. Đây cũng chính là nguyên nhân mà phần lớn người dân vẫn còn lao theo “hội chứng tôm sú”, nghĩa là vẫn muốn “đánh bạc” với tôm để trúng “độc đắc”, chứ chưa mặn mà trong việc đầu tư thay đổi đối tượng nuôi khác. Điều này làm chậm quá trình chuyển đổi một số vùng tôm sang nuôi các đối tượng khác có hiệu quả. Một khi thay đổi được “hội chứng tôm sú” cho người nuôi, việc đầu tư đa dạng hóa các đối tượng thủy sản khác mới thực hiện nhanh, mạnh.

 

DÂN CÒN NGẠI NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG

 

* Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản mới dễ nuôi, năng suất cao, ít bị dịch bệnh, theo bà vì sao người dân chưa nuôi trên diện rộng?

 

- Hiện nay phong trào chuyển đổi nuôi tôm thẻ chân trắng là phù hợp. Thời gian qua, Trung tâm Giống kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã vận động một số hộ dân nuôi mô hình tôm thẻ chân trắng, triển khai 13 mô hình nuôi tôm thẻ ở các xã An Hiệp, An Hoà, An Ninh Tây (huyện Tuy An) với tổng diện tích 7,5 ha. Từ đó rút ra kinh nghiệm và nhân rộng theo quy mô chắc chắn, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay nuôi tôm thẻ vẫn phát triển tự phát theo kiểu “da beo”, nằm rải rác xen lẫn trong các đồng tôm sú ở Đông Hòa, Sông Cầu, Tuy An. Nhiều người dân nhập giống kém chất lượng, chưa được kiểm dịch từ các nơi khác để thả nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm thẻ trên cát ở Hòa Hiệp Bắc không có bể xử lý nên nguồn nước thải xả ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các vùng nuôi thủy sản khác. Ngoài ra, con giống kém chất lượng và mầm bệnh còn lại trong hồ nên nuôi tôm thẻ cũng bị dịch bệnh, lỗ vốn. Mặt khác, giá con giống tôm thẻ tương đối cao (gấp 2 – 3 lần so với giá tôm sú post), trong khi đó thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm chậm, giá thấp… Vì vậy, người dân còn ngại nuôi tôm thẻ chân trắng.

 

Tôi nghĩ, để phát động nuôi tôm thẻ chân trắng, ngành thủy sản cần quy hoạch các vùng nuôi tôm thẻ, xử lý môi trường, chuyển giao kỹ thuật, kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất giống… Nơi nào có điều kiện thì xây dựng hệ thống thủy lợi, bể chứa xử lý nước sạch… riêng cho nuôi tôm thẻ. Chúng ta phải có trách nhiệm trong quản lý nuôi tôm thẻ chứ không thả lỏng cho dân nuôi không tuân thủ quy chế vùng nuôi, không theo mùa vụ, giống như nuôi tôm sú lâu nay. Để nuôi tôm thẻ hiệu quả, yếu tố đầu tiên là nguồn giống phải tốt, do vậy lực lượng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải ngăn chặn nguồn giống du nhập kém chất lượng, nhất là giống tôm thẻ của Trung Quốc, kiểm dịch nhằm khống chế hội chứng bệnh taura trên tôm thẻ.

 

XÂY DỰNG VÙNG NUÔI LINH HOẠT THEO THỊ TRƯỜNG

 

* Vậy theo bà, phải làm thế nào để nuôi tôm ổn định, bền vững?

 

- Sự thất bại nhiều năm liền làm cho người nuôi tôm kiệt quệ vốn nên rất khó có thể tự lực đầu tư khôi phục sản xuất. Đã đến lúc (nếu không muốn nói là quá muộn) cần phải liên kết lại các nhà cung cấp thức ăn, giống, ngân hàng, các nhà khoa học và người dân để có phương án tháo gỡ khó khăn, đầu tư sản xuất có lãi, chứ không để ao đìa bỏ trống. Tôi đề xuất hai giải pháp như sau:

 

Thứ nhất: cần xây dựng lại hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và ao hồ nuôi tôm, nhất là ở cánh đồng tôm Đà Nông. Theo đó, xây dựng kênh cấp, thoát nước riêng, mỗi hộ nuôi nhất thiết phải có 3 ao hồ liên hoàn với nhau gồm ao nuôi, ao chứa lắng, ao chứa thải, có phương án sản xuất cho từng tiểu vùng, thời vụ, kịp thời thông báo dịch bệnh phát sinh để mọi người cùng dập bệnh, tránh lây lan, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tuân thủ mùa vụ, xả hồ tôm bệnh ra ngoài… Trước mắt, có thể xây dựng các mô hình cổ đông nuôi tôm, giải quyết lao động, kêu gọi các nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần sản xuất tôm theo kiểu trang trại ở từng khu vực ao hồ, xây dựng lưới điện ở đồng tôm, xây dựng nhà máy hữu cơ để xử lý phân thải từ tôm… Đây cũng là tiền đề để nuôi tôm công nghiệp có năng suất cao và bền vững.

 

Thứ hai: cần nghiên cứu qui hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, đầu tư quan trắc, khảo sát môi trường, cảnh báo dịch bệnh, tập huấn cho dân nắm bắt kỹ thuật nuôi nhiều loài thủy sản có giá trị. Liên tục cập nhật thông báo, dự báo thị trường thủy sản cho dân biết, nhằm chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp. Để làm được điều này, Nhà nước có chính sách khoanh nợ những hộ vay nuôi tôm sú bị dịch bẹânh trong thời gian qua và cho họ tiếp tục vay vốn để nuôi thủy sản trong thời gian tới.

 

NGUYÊN LƯU (thực hiện)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek