Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Yên sử dụng công nghệ lạc hậu, ít lao động, bộ máy gọn nhẹ, không có phòng, ban nghiệp vụ mà chỉ có cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm. Do vậy, thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động ở lĩnh vực này còn hạn chế.
Công nhân sản xuất đồ gỗ tại một doanh nghiệp ở Phú Yên - Ảnh: N.HÂN |
Trên địa bàn Phú Yên hiện có hơn 360 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, có hơn 310 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động với hơn 13.000 lao động, chủ yếu thuộc các ngành nghề: Dịch vụ du lịch, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, sản xuất, cà phê, gia công chế biến đá xây dựng, xây dựng dân dụng, giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác bô xít…
Không ít doanh nghiệp có bộ máy hoạt động mang tính gia đình: Bố là giám đốc, mẹ là kế toán trưởng, con là người quản lý kiêm nhiệm. Với những đặc điểm trên, công tác an toàn – vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) trong những năm gần đây tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Yên còn nhiều bất cập: Điều kiện lao động chưa được cải thiện, nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong sản xuất nhưng chưa được khắc phục. Người lao động làm việc trong điều kiện có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại nhưng chưa được chủ doanh nghiệp tổ chức huấn luyện về AT-VSLĐ, nội quy quy trình an toàn để có thể an toàn và tự tin làm việc. Nhiều doanh nghiệp không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cũng như chưa thực hiện bồi dưỡng chống độc hại bằng hiện vật khi người lao động làm công việc nguy hiểm, độc hại; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Nguyên nhân của những thiếu sót, tồn tại trên là do doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư, bộ máy hoạt động quá tinh gọn, không có hoặc thiếu người làm công tác AT-VSLĐ, thiếu tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Chủ doanh nghiệp chỉ cần có đủ vốn là mở doanh nghiệp, không được qua các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thực hiện công tác AT-VSLĐ cũng như lợi ích mà công tác này mang lại. Nhiều doanh nghiệp chưa được cơ quan lao động địa phương kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn kịp thời về pháp luật AT-VSLĐ. Một số doanh nghiệp làm ăn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn để đầu tư cải thiện điều kiện lao động cũng như để thực hiện các chế độ quy định về AT-VSLĐ.
Như vậy, để công tác AT-VSLĐ dần đi vào nề nếp, điều kiện lao động của công nhân dần được cải thiện, cần thiết phải tăng cường quản lý về mọi mặt. Cụ thể: Đối với các cơ quan chức năng liên quan: Hàng năm, tổ chức Tuần lễ quốc gia về AT-VSLĐ-phòng chống cháy nổ tới từng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh, từ đó nâng cao kiến thức, nhận thức cũng như trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về thực hiện công tác này; tăng cường công tác truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, tư vấn cho doanh nghiệp những điểm cụ thể phải làm, nên làm và không được làm, khắc phục từng điểm thiếu sót, vi phạm quy định của pháp luật về công tác AT-VSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lao động, AT-VSLĐ cả về số lượng, chất lượng. Đối với chủ sử dụng lao động, cần thiết phải quan tâm một cách đúng mức về công tác AT-VSLĐ như: Hàng năm phối hợp với các cơ quan chức năng, các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức huấn luyện cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý doanh nghiệp, cán bộ bảo hộ lao động của các doanh nghiệp về công tác AT-VSLĐ, an toàn thiết bị; đăng kiểm môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp, đăng kiểm, kiểm định đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ... Đối với người lao động phải tự nhận thức về điều kiện, môi trường lao động có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của chính mình đừng vì cái lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi chính mình.
Có như thế, việc thực hiện pháp luật về công tác AT-VSLĐ tại doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa bàn tỉnh mới dần đi vào nề nếp, sức khỏe người lao động ngày càng được bảo vệ tốt hơn, điều kiện lao động luôn được cải thiện, không để xảy ra vụ tai nạn lao động nào, góp phần cho sự phát triển về kinh tế của tỉnh nhà nói chung và sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.
BS HUỲNH THẾ VINH
(Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên)