Khác với các năm trước, vụ tôm năm nay ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), nhiều người ồ ạt chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Điều đáng nói là, người nuôi mua giống trôi nổi kém chất lượng, không qua kiểm dịch, thả nuôi dày..., dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh lây lan.
Nông dân xã Hòa Tâm kiểm tra tôm nuôi - Ảnh: N.LƯU |
Ồ ẠT THẢ NUÔI TÔM THẺ
Năm trước, tôm thẻ chân trắng thả nuôi ở một số vùng ven biển trong tỉnh đã thu hoạch đạt năng suất rất cao, người nuôi thu lãi lớn. Riêng tôm thẻ nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch đạt năng suất 3,4 tấn/ha. Thêm vào đó, tôm thẻ là đối tượng có thời gian nuôi ngắn, ít bị dịch bệnh; chi phí thuốc, hóa chất phòng trị bệnh và giá tôm giống thấp… Chính những hấp lực trên làm cho phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng “lên ngôi” trong vụ nuôi năm 2009. Hiện nay, tại vùng nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch và các vùng nuôi cao triều ở huyện Đông Hòa, bà con đã ồ ạt chuyển hẳn sang thả nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 400ha. Ông Nguyễn Văn Long, một người nuôi tôm thẻ ở hạ lưu sông Bàn Thạch, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi tôm sú, nhưng bị lỗ nặng vì tôm liên tục bị dịch bệnh. Năm 2008, tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thu lãi được vài chục triệu đồng. Con tôm thẻ đã “cứu” gia đình tôi thoát khỏi nợ nần. Do vậy, năm nay tôi mạnh dạn đầu tư mua 50 vạn con tôm thẻ post của Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures thả nuôi trên diện tích 0,5ha. Hiện tôm nuôi được 2,5 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng cho năng suất cao”.
Ông Đặng Tín, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm cho biết, năm nay bà con ở Hòa Tâm chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, người nuôi thả tôm thẻ không theo mùa vụ, nhiều diện tích thả nuôi rất sớm, đã có hơn 10 ha tôm nuôi được hơn 2 tháng tuổi. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bà con thả tôm thẻ nuôi ồ ạt, có ngày số lượng tôm thẻ post thả lên đến 5 triệu con. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đông Hòa, người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch chưa tuân thủ quy chế vùng nuôi, chạy theo lợi nhuận nuôi tôm thẻ với mật độ rất dày từ 60 – 100 con/m2. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý mùa vụ, vùng nuôi, dịch bệnh… Theo kế hoạch, vụ này bà con sẽ thả nuôi khoảng 700 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở hạ lưu sông Bàn Thạch. Như vậy, ở vùng nuôi tôm này vẫn còn khoảng 500 ha ao đìa bỏ trắng. Tuy nhiên, bà con chưa tận dụng ao bỏ trống để làm ao lắng chứa nước sạch phục vụ cho thay nước trong quá trình nuôi.
MUA GIỐNG TRÔI NỔI, KHÔNG KIỂM DỊCH
Người dân ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng khiến nguồn giống khan hiếm. Mặc dù trên địa bàn huyện Đông Hòa đã có 26/34 trại ương nuôi tôm thẻ giống nhưng vẫn không đủ cung ứng cho người nuôi. Nhiều người nuôi đã mua gom con giống trôi nổi ngoài tỉnh như ở Lương Sơn, Vạn Ninh (Khánh Hòa), Phan Rang (Ninh Thuận)… Điều đáng ngại là hầu hết nguồn tôm thẻ giống mua ngoài tỉnh không qua kiểm dịch mầm bệnh. Ông Đặng Thống, một người dân ở xã Hòa Tâm cho biết: “Tôi chỉ nhìn bằng mắt thường để chọn mua 40 vạn tôm thẻ giống ở Lương Sơn rồi đem về thả nuôi. Cũng may tôm đạt chất lượng, tỉ lệ hao hụt thấp…”.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, tôm giống không kiểm dịch thả nuôi tràn lan là nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh tôm. Hiện đã có 2,5 ha tôm thẻ chân trắng 1 tháng tuổi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (0,6ha) và đồng Bàu Sấu, xã Hòa Tâm (1,9ha) đột nhiên bị bệnh chết, chưa rõ nguyên nhân. Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đã báo cáo cho Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên lấy mẫu bệnh phẩm để tìm nguyên nhân gây bệnh trên tôm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước mắt, huyện vận động người dân tiến hành các biện pháp bao vây, dùng chlorin xử lý ao tôm bệnh nhằm khống chế bệnh lây lan.
Nông dân xã Hòa Tâm kiểm tra tôm nuôi - Ảnh: N.LƯU |
Trong suốt thời gian dài, Phú Yên bị dịch bệnh tôm sú, dẫn đến nhiều đồng tôm bị bỏ hoang. Do vậy, phong trào chuyển đổi nuôi tôm thẻ chân trắng có thể “cứu” được các cánh đồng tôm sú. Tuy nhiên, nếu các ngành chức năng và địa phương không thực hiện kiểm tra môi trường, kiểm dịch chất lượng giống, quy hoạch và quản lý, ngăn chặn nuôi tôm thẻ tự phát ồ ạt như hiện nay, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh tôm thẻ như tôm sú, gây thiệt hại nặng cho người nuôi là điều khó tránh khỏi. Cũng theo ông Đỗ Kim Đồng, để phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng được bền vững, ngay từ bây giờ ngành Nông nghiệp cần quy hoạch lại các vùng nuôi, xử lý môi trường. Nơi nào có điều kiện thì xây dựng hệ thống thủy lợi, bể chứa xử lý nước sạch… Ngành chức năng, địa phương cần có trách nhiệm trong quản lý nuôi tôm thẻ chứ không thả lỏng cho dân nuôi ồ ạt không tuân thủ quy chế vùng nuôi, không theo mùa vụ giống như nuôi tôm sú lâu nay. Để nuôi tôm thẻ hiệu quả, yếu tố đầu tiên là nguồn giống phải tốt. Do vậy, ngành Nông nghiệp phải quản lý chặt chẽ nguồn giống nhằm khống chế hội chứng bệnh taura bùng phát trên tôm thẻ. Lực lượng quản lý thú y thủy sản phải đủ mạnh, thường xuyên bám sát các đồng tôm để kiểm dịch giống nhằm ngăn chặn nguồn giống du nhập kém chất lượng, đặc biệt là giống tôm thẻ của Trung Quốc...
Ông Đặng Tín - Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm nói: “Qua đối chiếu với nuôi tôm sú trên cùng diện tích, tôi nhận thấy tôm thẻ chân trắng nuôi với mật độ dày hơn vẫn phát triển nhanh hơn, ít xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi khả năng thích nghi môi trường của tôm thẻ để xác định mùa vụ và áp dụng quy trình nuôi tập trung, khép kín có hiệu quả. Hiện nay, đa số hộ nuôi chưa nắm vững kỹ thuật, chưa được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đại, đã mua giống trôi nổi ở nhiều nơi rồi thả nuôi nhiều vùng nhiều nơi. Nếu ngành Thủy sản không thực hiện ngay quy hoạch, quản lý vùng nuôi, kiểm tra chất lượng giống, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh như tôm sú là điều khó tránh khỏi”.
NGUYÊN LƯU