Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm đang áp sát tỉnh Phú Yên. Cụ thể, dịch bệnh cúm gia cầm đang xảy ra ở tỉnh Khánh Hòa; dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra ở tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi; dịch bệnh heo tai xanh xảy ra ở Quảng Nam. Báo Phú Yên phỏng vấn bà Đỗ Thị Đậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên xung quanh vấn đề ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm này.
Tiêm phòng vắc xin LMLM cho bò ở huyện Đồng Xuân – Ảnh: H.NAM
* Trong đợt II/2008, tỉ lệ tiêm phòng mũi 2 vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt còn thấp, chỉ đạt 48%, trong khi Bộ NN-PTNT khuyến cáo phải tiêm phòng đầy đủ mới tránh được dịch bệnh. Trước thực trạng này, ngành Thú y Phú Yên có giải pháp nào để quản lý tốt số gia cầm, thủy cầm?
- Tỉ lệ tiêm phòng mũi 2 vắc xin cúm gia cầm cho vịt còn thấp, do người nuôi vịt thịt chỉ nuôi trong vòng 3 tháng rồi xuất bán. Khi nuôi được 1 tháng, người chăn nuôi tiêm mũi 1, sau đó bán đi hoặc giết thịt. Riêng vịt nuôi đẻ, người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ. Để quản lý chặt chẽ số đàn vịt trong diện tiêm phòng, sau mỗi đợt tiêm phòng, Chi cục Thú y đề nghị trạm thú y các huyện, thành phố rà soát lại số vịt chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc số đàn vịt mới tái đàn để tiêm phòng bổ sung.
Việc quản lý đàn gia cầm, thủy cầm của các địa phương trong thời gian qua chưa chặt chẽ. Chi cục Thú y đề nghị các địa phương có biện pháp quản lý, cụ thể là mở sổ theo dõi các hộ chăn nuôi không tiêm phòng mũi 2 đã chuyển đi nơi khác, trạm thú y giám sát và có kế hoạch tiêm phòng nhắc lại.
* Trong thời gian qua, ở một số địa phương, người chăn nuôi chưa tự giác chấp hành việc tiêm phòng cho gia súc, gây trở ngại cho thú y cơ sở. Theo bà, làm thế nào để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng?
- Năm nay, Chi cục Thú y đã chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin ngay từ đầu đợt tiêm phòng, kể cả vắc xin mới ra đời. Cụ thể, chi cục đã có loại vắc xin mà trâu bò có chửa, bê nghé 15 ngày tuổi vẫn tiêm phòng được. Để nông dân nhận thức sâu sắc hiệu quả việc tiêm phòng, nâng tỉ lệ tiêm phòng lên cao, giải pháp vẫn là tuyên truyền, vận động thông qua báo, đài, các cuộc họp triển khai, các lớp tập huấn. Hiện nay, ý thức về việc tiêm phòng của người chăn nuôi đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhất là khu vực miền núi, người chăn nuôi vẫn còn e ngại. Việc triển khai tiêm vắc xin LMLM cho trâu, bò ở hai xã Ea Bia, Ea Bar của huyện Sông Hinh và xã Phú Mỡ của huyện Đồng Xuân còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vẫn còn tập tục nuôi bò thả rông, cán bộ thú y đến không có bò trong chuồng. Mới đây, lãnh đạo Chi cục Thú y phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân lên tận xã Phú Mỡ để chỉ đạo công tác tiêm phòng. Biện pháp chính hiện nay là huy động hệ thống chính trị tham gia vào công tác này. Cán bộ thú y cơ sở lo tốt khâu chuyên môn, kỹ thuật, thuốc thú y; còn các tổ chức đoàn thể ở huyện, xã nỗ lực tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm phòng theo chỉ thị của UBND tỉnh.
* Làm thế nào để kiểm soát tốt việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, thưa bà?
- Khâu đầu tiên là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm trái quy định. Mục đích của việc này là sớm phát hiện dịch bệnh, ngăn chặn phòng ngừa từ cơ sở chăn nuôi nếu có xảy ra dịch bệnh.
Để tăng cường quản lý, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại đầu cầu Bình Phú (xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu), tăng cường lực lượng chức năng làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại đầu cầu Bình Phú và Trạm kiểm dịch động vật Hảo Danh (huyện Đông Hòa). Hai chốt này hoạt động từ ngày 21/2 đến nay, kiểm soát lượng gia súc gia cầm được vận chuyển vào địa bàn Phú Yên qua quốc lộ 1A. Riêng trên quốc lộ 25 và tuyến Sông Hinh - Đắk Lắk, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cũng đã thành lập hai chốt kiểm dịch tại nơi giáp ranh với Phú Yên. Vừa qua, Chi cục Thú y đề nghị Sở NN - PTNT chỉ đạo các địa phương khôi phục ban chỉ đạo, tăng cường hoạt động của đội liên ngành, hàng tháng có kế hoạch kiểm tra đến tận các chợ thôn, xóm để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
* Xin cảm ơn bà!
MẠNH HOÀI