Quy chế tổ chức, hoạt động của tổ tiết kiệm – vay vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành quy định rõ về nguyên tắc, điều kiện, trình tự thành lập tổ tiết kiệm – vay vốn, các nội dung cần thiết đảm bảo cho tổ tiết kiệm – vay vốn hình thành, hoạt động theo đúng quy trình, nội dung thống nhất.
Cán bộ tín dụng kiểm tra tình hình hoạt động, quản lý vốn của các tổ vay vốn trên địa bàn TP Tuy Hòa - Ảnh: Đ.PHÚ |
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của tổ tiết kiệm – vay vốn trên địa bàn Phú Yên vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Theo quy chế, các thành viên của tổ phải cư trú trên cùng một địa bàn, song thực tế nhiều nơi không thành lập theo cùng địa bàn dân cư là thôn, buôn… mà thành lập theo thành viên của tổ chức hội, đoàn thể. Tổ hoạt động theo giới nên trong thôn có nhiều tổ, mỗi tổ có thành viên của nhiều thôn, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát, bình xét, sinh hoạt tổ. Ngoài ra, theo quy chế, ban quản lý tổ tiết kiệm – vay vốn do các thành viên trong tổ bầu ra nhưng có địa phương cán bộ của tổ chức chính trị – xã hội cấp xã như chủ tịch, phó chủ tịch… được chỉ định kiêm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm – vay vốn. Việc làm này đã không tách bạch được chức năng quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm – vay vốn do tổ chức hội đảm nhiệm, từ đó làm giảm sút chất lượng ủy thác cho vay của tổ chức chính trị – xã hội.
Để khắc phục những tồn tại trên, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên đã và đang tiến hành củng cố, nâng cao một bước về chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm – vay vốn. Từ hơn 3.000 tổ tiết kiệm – vay vốn của bốn hội, đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, mỗi tổ bình quân có 17 thành viên, đến nay đã được củng cố còn 2.000 tổ, mỗi tổ bình quân có 35 thành viên. 7/7 chương trình tín dụng ưu đãi với số vốn trên 800 tỉ đồng đều được ủy thác qua 2.000 tổ vay vốn này. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên, cho biết: “Các tổ tiết kiệm – vay vốn không còn hoạt động, hoạt động yếu kém đã được củng cố sắp xếp lại, những cán bộ tổ tiết kiệm – vay vốn có hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng vốn của tổ viên bị phát hiện đã xử lý không được tiếp tục tham gia quản lý tổ. Qua đó, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn của các chương trình tín dụng ưu đãi được nâng lên rõ rệt, tỉ lệ nợ quá hạn giảm xuống dưới 2%”.
Ngoài ra, một số bất cập nổi lên cần tiếp tục chấn chỉnh. Đó là một số cán bộ tổ tiết kiệm – vay vốn, cán bộ tổ chức hội, đoàn thể chưa nhận thức đúng, đầy đủ quy chế tổ chức, hoạt động của tổ tiết kiệm – vay vốn. Do đó, vấn đề đặt ra là tiếp tục đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ tổ tiết kiệm – vay vốn, cán bộ tổ chức hội, đoàn thể về chủ trương, chính sách của Chính phủ đối với chính sách tín dụng ưu đãi và các văn bản nghiệp vụ.
ĐẮC PHÚ